Có ý kiến cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020 ở mức 2,12% là con số thấp kỷ lục trong 10 năm qua, nên không thể nói đó là thành công. Tuy nhiên, trên nền bức tranh đầy sắc tối của kinh tế toàn cầu, có thể khẳng định mức tăng trưởng đó là một điểm sáng vô cùng ấn tượng qua những đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế.
TS. Jacques Moriset, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam dẫn số liệu khối WTO dự báo, thương mại toàn cầu năm 2020 sẽ sụt giảm từ 13 – 35%, ngay cả nếu có phục hồi trong những tháng gần đây. Một số liệu khác từ UNCTAD đại diện cho lợi ích các nền kinh tế đang phát triển cũng ghi nhận FDI trên toàn thế giới năm 2020 ước tính giảm từ 20 – 30%.
Với hiện trạng suy thoái kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng đang diễn ra trên toàn cầu như vậy, mức tăng trưởng thấp của Việt Nam vẫn được dư luận quốc tế đánh giá là thành công trong kiểm soát COVID-19, và trở thành một trong những quốc gia có chất lượng cao hàng đầu ASEAN về an ninh dịch bệnh, phát triển kinh tế.
Trong quý III, các khu vực kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn quý II và là động lực cho tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, quý III và cả 3 quý đầu 2020, do tác động COVID-19 đã có sự thay đổi trong phân bổ đóng góp cho tỷ trọng tăng trưởng GDP của các lĩnh vực. Khu vực công nghiệp và các lĩnh vực trọng tâm vẫn tăng trưởng thấp, do tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ở mức 2,93% trong quý III và tính chung các quý tăng 1,84%.
Dù cũng chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cùng biến đổi khí hậu và dịch tả lợn hoành hành tại châu Á, nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam vẫn có ánh sáng của trụ cột lõi. Điều này đến từ sự chủ động trong chính sách nội địa. Lợi thế ngàn năm về kinh tế nông nghiệp cũng được tiếp sức, trở nên rất hữu dụng với những bước đầu thể hiện tích cực trong triển khai thực thi Hiệp định EVFTA. Giúp kinh tế Việt Nam mở rộng phát triển sản phẩm nông nghiệp và các lĩnh vực liên quan tại thị trường lớn EU.
Một lợi thế mới cũng rất quan trọng là ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt đời sống, y tế và phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy đi sau về công nghệ nhưng Việt Nam đã rất nhanh chóng thích ứng với công cụ số, lợi thế này có được từ chủ trương, chính sách sớm xây dựng Chính phủ số, kinh tế số của Chính phủ, và quan trọng nhất là sự đón nhận nhiệt tình với các ứng dụng số hóa từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cho đến từng người dân.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng đưa ra đánh giá rất thận trọng, lưu ý lớn nhất là kết quả xuất siêu đạt 17 tỷ USD sau 9 tháng năm 2020. Nhưng đó là xuất siêu do nhập khẩu giảm, thể hiện rõ sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Việt Nam khó nhập khẩu nguyên vật liệu, đó sẽ là khó khăn lớn cho việc duy trì sản xuất – kinh doanh.
Ở góc quan sát kinh tế quốc tế, Tờ Asia Times nhận định, cũng như các nước láng giềng, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực rất lớn sau thời gian dài ứng phó với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá là một ngoại lệ với mức tăng trưởng ấn tượng, nhờ các biện pháp chống dịch nhanh chóng và hiệu quả. Đây là một điều gần như không thể đối với không ít quốc gia.
Có thể nói rằng Việt Nam sẽ là một trong số ít quốc gia “được nhiều hơn mất” trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Nếu vẫn duy trì được động lực phát triển như hiện tại, Việt Nam sẽ trở thành “ngôi sao sáng” trong kinh tế toàn cầu, tiền đề cho việc đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo Quốc Cường/thuonghieuvaphapluat.vn