Kiểm soát chặt thị trường xe đạp điện, xe máy điện

Trong những ngày đầu năm học, tình trạng buôn bán các loại xe đạp điện, xe máy điện lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ với các chiêu thức hoạt động tinh vi hơn để “lách luật” đang gây nhiễu loạn thị trường. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã ra quân kiểm tra và xử lý vi phạm.

Vài năm trở lại đây, phân khúc xe đạp, xe máy điện tăng trưởng trên 30%/năm

Khi có nhu cầu tìm hiểu về xe đạp điện, khách hàng có thể tìm kiếm dễ dàng không chỉ trên các con phố Tôn Đức Thắng, Bà Triệu (Hà Nội)… mà đến tận những cửa hàng vùng thôn quê; thậm chí trên các trang thương mại điện tử. Hầu hết các mẫu xe này đều được giới thiệu lắp ráp tại Việt. Mức giá phổ biến từ 6 – 12 triệu đồng với xe đạp điện; xe máy điện từ 14 – 20 triệu đồng, những thương hiệu như VinFast, Yadea, Pega… thường có giá bán cao hơn từ 20 – 50 triệu đồng. Tuy nhiên, các mẫu xe đạp và xe máy điện cỡ nhỏ vẫn phổ biến nhất. Và, đa số người tiêu dùng đều khó phân biệt được kiểu dáng và đâu là hàng Việt Nam hay nhập ngoại.

0554-xe-yyp-yiyn
Thị trường xe đạp điện đa dạng mẫu mã, chủng loại.

Đại diện một hãng xe điện tại Việt Nam cho biết, các quy định hiện hành chưa yêu cầu người đi xe đạp điện phải đi đăng ký biển kiểm soát như xe máy điện, nên khách hàng cũng không quan tâm đến việc tem nhãn, giá trị hóa đơn trên xe hay những giấy tờ khác liên quan đến xe.

Vì vậy, các đơn vị nhập lậu lợi dụng kẽ hở này để trục lợi. Hiện có tới trên 90% xe đạp điện và các loại linh kiện không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có tem hợp quy được bán và lưu hành trên thị trường. Nhiều chủng loại đang làm nhái kiểu dáng của các mẫu xe thương hiệu nhưng cơ quan quản lý không xử lý được. Nhiều mẫu xe được nhập lậu về thị trường Việt Nam qua đường tiểu ngạch, có xe được lắp ráp ngay trong nước nhưng không có giấy tờ kiểm định…

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, Cục QLTT Hà Nội đã yêu cầu các đội QLTT triển khai biện pháp nghiệp vụ quản lý thông tin địa bàn, lĩnh vực, chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng xe đạp điện, xe máy điện (bao gồm bộ phận ắc quy điện) nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo, gian lận thương mại. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các quy định cũng như các tác động xấu ảnh hưởng tiêu cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước từ hoạt động kinh doanh mặt hàng xe điện nhập lậu, giả mạo, gian lận xuất xứ.

Các chuyên gia khuyến cáo, để hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn, người tiêu dùng không nên lưu thông mặt hàng xe điện nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không được đăng kiểm, chứng nhận chất lượng, giả mạo...

Theo Trang Anh/Báo Công Thương

Print Friendly, PDF & Email