Ngày 5/6, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã lập tổ công tác làm việc với nhà trường về những phản ánh tiêu cực tại đây.
Động thái này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra sau khi nhận được “tâm thư” của nhóm giảng viên có thâm niên trường Đại học Luật TP HCM, đề nghị làm rõ và xử lý những vấn đề liên quan đến tình trạng bè cánh, quản trị tài chính và nhiều vấn đề khác.
Trong bức thư gửi trực tiếp Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các giảng viên khẳng định “đây là tâm thư” chứ không phải đơn tố cáo. Họ nêu hàng loạt bức xúc liên quan tình trạng mất đoàn kết, mất dân chủ, các dấu hiệu bè phái, lợi ích nhóm trong trường. Nhóm giảng viên còn phản ánh những dấu hiệu vi phạm trong quản lý tài chính, công tác bổ nhiệm cán bộ tại trường từ nhiều năm qua.
Một số phó giáo sư, tiến sĩ được cho là chán nản, muốn xin nghỉ để chuyển công tác. Trong đó, PGS Nguyễn Thị Thủy xin thôi chức Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Quản trị, PGS Phan Nhật Thanh xin thôi chức Phó trưởng khoa Luật Hành chính. Tuy nhiên, 5 ngày sau bà Thủy rút đơn từ chức, hiện vẫn làm việc ở vị trí cũ.
PGS Trần Hoàng Hải (Phó hiệu trưởng phụ trách Đại học Luật TP HCM) cho biết, Đảng ủy trường hôm 4/6 có cuộc họp kéo dài về việc 2 Phó giáo sư từ chức, gây xôn xao dư luận.
Theo ông Hải, PGS Phan Nhật Thanh (Phó trưởng Khoa Luật hành chính) nộp đơn đề nghị thôi chức vụ vào ngày 25/4. Nhiệm kỳ phó khoa của ông Thanh được tính theo nhiệm kỳ 5 năm của Trưởng khoa đã chấm dứt vào ngày 13/3. “Vì khi đó trường có quá nhiều việc nên không kịp quy trình bổ nhiệm Trưởng khoa nối tiếp nhiệm kỳ cũ. Thực chất lúc thầy Thanh xin từ chức đã ở trong thời điểm chuyển giao, xem như hết nhiệm kỳ rồi”, ông Hải nói và cho biết trường đã bổ nhiệm Trưởng khoa Luật Hành chính từ ngày 9/5.
Còn PGS Nguyễn Thị Thủy nộp đơn hôm 3/5. Một trong những lý do bà Thủy đưa ra là rất nhiều năm Khoa Quản trị không có trưởng khoa, chỉ có Phó trưởng Khoa phụ trách nên không thể phát triển được. Tuy nhiên 5 ngày sau bà Thủy rút đơn, hiện vẫn làm việc ở vị trí cũ.
Theo ông Hải, khoa này được hình thành từ Bộ môn Quản trị, Trưởng khoa có bằng Tiến sĩ Quản trị kinh doanh trong khi bà Thủy hiện là Tiến sĩ Luật. Nhà trường cũng cân nhắc vấn đề này rất kỹ. Là phó khoa phụ trách, cô Thủy có toàn quyền như trưởng khoa, mọi xử lý công việc vẫn bình thường.
“Những gì dư luận bàn tán những ngày qua chỉ là biểu hiện bên ngoài, đằng sau nó là những tảng băng chìm. Có nhiều sự việc trường đã giải quyết hoặc đang giải quyết, nên việc các giảng viên phản ánh ra bên ngoài khi chưa làm việc với trường là việc không nên”, ông Hải nói.
Thành lập năm 1996, Đại học Luật TP HCM là cơ sở đào tạo luật lớn nhất phía Nam. Tháng 8 năm ngoái, Hiệu trưởng trường này là GS Mai Hồng Quỳ nghỉ hưu theo chế độ. Hiện, trường vẫn chưa có Hiệu trưởng mới.