Chính phủ đề nghị TP.HCM làm rõ điểm nhấn, điểm khác biệt của thành phố Thủ Đức đối với các trung tâm tài chính, công nghệ của châu Á, để thu hút đầu tư.
Ngày 18/8, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về cuộc họp liên quan đề án thành lập thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM. Theo đó, Chính phủ đồng ý thực hiện chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Để thu hút đầu tư vào thành phố Thủ Đức, Chính phủ yêu cầu TP.HCM cần làm rõ điểm nhấn, điểm khác biệt của đơn vị hành chính này đối với các trung tâm tài chính, công nghệ của châu Á. TP.HCM cần làm việc với các bộ, ngành để có định hướng phát triển thành phố mới.
Trong quá trình xây dựng đề án, TP.HCM cần chú trọng đến quy hoạch chung. Chính quyền thành phố nên tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng thành phố Thủ Đức. Ngoài ra, quy hoạch của đơn vị hành chính mới cần gắn liền với quy hoạch chung TP.HCM và quy hoạch vùng.
Chính phủ nhận định trong tương lai, thành phố Thủ Đức có thể là nơi tập trung đông dân cư đến từ nhiều tỉnh, thành, quốc gia khác nhau. Bên cạnh yếu tố kinh tế, tài chính, TP.HCM cần đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự xã hội và những yếu tố liên quan đến dịch tễ, tránh phát sinh, lây lan dịch bệnh.
Với định hướng là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, nơi có không gian xanh, sạch, đẹp, đáng sống, TP.HCM cần làm rõ hình thức huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đối với thành phố Thủ Đức. Nếu có các nguồn lực xã hội hóa, TP.HCM cần lưu ý áp dụng hình thức đầu tư phù hợp theo quy định pháp luật.
Đối với việc không tổ chức HĐND quận, phường tại TP.HCM, Phó thủ tướng đồng ý xây dựng đề án với tên gọi là đề án chính quyền đô thị tại TP.HCM. Ông cho rằng việc xây dựng đề án nhằm đáp ứng cho công tác quản lý đô thị tại TP.HCM, một đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục, khoa học kỹ thuật của cả nước.
Trước đó, ngày 29/7, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cơ quan của Quốc hội cho 3 đề án lớn của TP.HCM, gồm: Đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9 và Thủ Đức; đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM và đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại thành phố.
Đối với đề án thành lập thành phố Thủ Đức, hầu hết đại biểu ủng hộ và cho rằng việc này sẽ tạo cú hích cho sự phát triển của TP.HCM cũng như cả nước. Tuy nhiên, TP.HCM cần làm rõ phương án để khai thác hiệu quả tiềm năng của đơn vị hành chính mới này.
Theo Quang Huy/Zingnews.vn