2 năm thực thi EVFTA: Xuất khẩu phát huy tốt nhưng vẫn cần lưu ý

Nhìn lại 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết EVFTA đã mang những cơ hội xuất khẩu rất lớn cho doanh nghiệp Việt. Nhiều nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt.

Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, nhờ các điều kiện thuận lợi do EVFTA mang lại, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng máy móc và thiết bị sang EU tăng 34,8%, dệt may tăng 41,2%, giày dép tăng 36,2%; riêng nhóm hàng nông, thủy hải sản có mức tăng trưởng vượt bậc khi kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng 54,4%, thủy sản tăng 41,9%, rau quả tăng 18%, hồ tiêu tăng 25% và gạo tăng 22,2%…

2 nam thuc thi evfta xuat khau phat huy tot nhung van can luu y
Ảnh minh họa

Những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo Hiệp định EVFTA cho thấy đang góp phần đáng kể giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU.

Số liệu thống kê cập nhật cũng ghi nhận trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối châu Âu đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực, không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ châu Âu như Đức, Hà Lan, Pháp… mà còn tiếp cận tốt các thị trường nhỏ hơn như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.

Tuy nhiên nhìn về tương lai sắp tới, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội EuroCham cho rằng, phát triển xanh đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, do đó doanh nghiệp Việt cũng cần phải chuyển đổi xu hướng phát triển để đáp ứng.

Doanh nghiệp EU rất có lợi thế về công nghệ, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất… để đầu tư, phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam. Thế nhưng, rào cản mà các doanh nghiệp EU gặp phải là phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, hạn chế nội lực vốn. Do vậy, Việt Nam cần phải xây dựng những quỹ tín dụng xanh để tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp.

Nhằm tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, doanh nghiệp Việt cần tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường và đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững tại EU. Đây cũng là yếu tố sống còn để doanh nghiệp Việt có thể duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu cũng như mở rộng thị phần tại EU.

Về vấn đề này, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp Việt có sự đa dạng hóa và nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững khi vào thị trường EU.

Đồng thời, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch hành động xung quanh chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh; Đề án các nhiệm vụ giải pháp thực hiện kết quả COP26; Kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm hỗ trợ mở rộng thị trường và tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với EU, tạo tiền đề rất lớn để thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương trong thời gian tới, mở rộng ra nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế khác.

Việt Nam có nhiều dư địa thị trường để thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía các đối tác EU để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và bền vững, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hoàn chỉnh bền vững, cùng có lợi với EU.

“Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, hợp tác phát triển bền vững. Đây là những lĩnh vực thế mạnh và ưu tiên phát triển trong chính sách của EU, đồng thời cũng phù hợp với các định hướng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam”, ông Diên nói.

Theo Ngọc Hậu/THời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email