Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có đánh giá về tình hình xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp Việt Nam trong các tháng đầu năm và nhận định về thị trường các tháng cuối năm.
Theo đó, Hiệp hội này cho hay trong tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm đã đạt 341 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ nhưng tăng 3% so với tháng trước. Tính chung cả nửa đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước đã đạt 1,6 tỷ USD, mặc dù vẫn giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã có dấu hiệu phục hồi trong nửa cuối năm do các thị trường lớn tăng cường nhập khẩu.
Bà Phùng Thị Kim Thu, Chuyên gia thị trường tôm của VASEP cho biết, hiện nay nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc đang phục hồi rất mạnh mạnh. Trong tháng 5/2023, lượng tôm nhập khẩu của nước này tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị nhập khẩu cũng tăng 55%. Tính chung 5 tháng vừa qua, lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng 48% đạt mức hơn 415.300 tấn; kim ngạch cũng đạt 2,3 tỷ USD, tăng 28%. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 78 triệu USD.
“Đây là kim ngạch xuất khẩu tôm vào Trung Quốc cao nhất từ đầu năm đến nay”, bà Thu cho biết.
Theo phân tích của các chuyên gia tại VASEP, hiện hoạt động nuôi tôm ở Trung Quốc rất khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, giá tôm nguyên liệu giảm nên Trung Quốc sẽ vẫn tăng cường nhập khẩu tôm từ nước ngoài. Trong tháng 5/2023 Trung Quốc đứng thứ nhất về thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23%. Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ hai, chiếm tỷ trọng 21%. Vì thế, việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ngành tôm của Việt Nam bứt phá trong các tháng cuối năm.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, cho rằng trong các tháng quý III, ngành tôm có nhiều cơ hội phục hồi mạnh. Theo đó, hiện nay giá tôm thương phẩm trong nước đã giảm đến sát đáy, rất thuận lợi cho các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Các thị trường nuôi tôm lớn trên thế giới như Ecuador, Ấn Độ cũng đều đang gặp khó khăn về chi phí đầu vào và giảm sản lượng tôm thương phẩm.
“Theo ước tính lượng ao treo, không nuôi ở Ấn Độ khoảng từ 30-50%; tại Ecuador đang bị EI Nino nên thiệt hại khoảng 30% vùng nuôi. Vì thế, sắp tới đây tôm thương phẩm trên lưu thông các nước đều giảm mạnh. Đây là nền tảng để các hệ thống phân phối tính toán tăng mua dự trữ. Ngoài ra, sắp tới cũng sẽ là mùa lễ hội, vì thế giai đoạn này các doanh nghiệp cần mua trữ và đầu tư mạnh cho hàng tinh chế để tăng kim ngạch xuất khẩu”, ông Lực khuyến nghị.
Về tình hình thả giống tôm trong nước, theo thống kê của VASEP, trong 6 tháng đầu năm, lượng thả giống tôm chân trắng của cả nước giảm nhẹ 1,8%, lượng thả giống tôm sú tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau là các địa phương tập trung diện tích tôm nuôi lớn nhất Việt Nam. Thời gian qua, lượng tôm nuôi của các tỉnh này đều ghi nhận tăng nhẹ. Vì thế, nguồn cung tôm nguyên liệu của Việt Nam trong các tháng cuối năm nếu có giảm cũng không quá trầm trọng.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, mặc dù triển vọng các đơn đặt hàng sang Mỹ, Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn do nền kinh tế phục hồi chậm và mức tồn kho tăng cao, nhưng các công ty kinh doanh xuất khẩu thủy sản sẽ bắt đầu thấy ghi nhận mức lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2023 nhờ chi phí giảm bao gồm giá đầu vào giảm (tôm, cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản), chi phí vận chuyển giảm.
SSI ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của nhiều doanh nghiệp sẽ tăng mạnh trở lại vào năm 2024 do xuất khẩu sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối quý IV/2023 hoặc đầu năm 2024.
“Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu vào thị trường Mỹ sẽ ghi nhận mức lợi nhuận giảm nhẹ hoặc đi ngang so với cùng kỳ và tăng trưởng lợi nhuận dương từ quý IV/2023”, các chuyên gia tại SSI nhận định.