Xuất khẩu thủy sản sang tất cả các thị trường trong tháng 8/2021 đều giảm từ 16-50% so với cùng kỳ năm 2020. Thuy nhiên teo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nếu trong tháng Chín dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp được nối lại thì việc duy trì đà tăng trưởng của ngành là không khó.
Trải qua hơn một tháng hoạt động trong hoàn cảnh giãn cách xã hội và phương thức hoạt động “3 tại chỗ”, trong bối cảnh COVID-19 căng thẳng tại TP.HCM và 18 tỉnh phía Nam và các tỉnh Nam Trung bộ, các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản bị tác động xấu, điều này kéo theo kết quả xuất khẩu bị ảnh hưởng mạnh.
Khảo sát mới nhất của VASEP cho thấy, có tới trên 50% nhà máy chế biến cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long và nhà máy chế biến thủy sản ở miền Đông Nam bộ phải đóng cửa. Tất cả doanh nghiệp khảo sát đều cho rằng, tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” chỉ là phương án cầm cự, tạm thời để doanh nghiệp duy trì sản xuất trong thời gian ngắn, không thể kéo dài hơn 1 tháng.
Một số địa phương ven biển như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, doanh nghiệp đã giảm tối đa công suất chế biến, hoạt động cầm chừng. Cả người dân và doanh nghiệp đều gặp rất nhiều khó khăn do một số cảng cá bị phong tỏa do có ca nhiễm COVID-19.
Bên cạnh đó, tỷ lệ công nhân và người lao động được tiêm vắc-xin rất thấp, chi phí cho hoạt động “3 tại chỗ” quá cao. Nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc tới phương án sẽ ngưng hoạt động hoàn toàn.
Theo bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Giám đốc kinh doanh Công ty Nam Việt, các hệ thống siêu thị ở châu Âu và Mỹ đòi hỏi thời gian giao hàng phải như cam kết. Trong khi với tình hình hiện tại, việc hoàn thành đơn hàng đúng thời điểm là gần như không thể.
Bên cạnh đó, cước phí vận chuyển của các hãng tàu hiện nay vẫn rất cao, tăng từ 2-10 lần, chưa có sự điều chỉnh phù hợp khiến doanh nghiệp hoàn toàn thụ động về thời gian và cước tàu nên đã ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm thủy sản, làm ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp và sự cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.
Nhiều nhà máy ngừng hoạt động và giảm công suất đã ảnh hưởng trực tiếp lên kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng Tám. Theo đó, xuất khẩu sang tất cả các thị trường trong tháng Tám đều giảm từ 16-50% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản đều giảm mạnh 36%, sang EU giảm 32% (riêng sang Hà Lan giảm gần 50%, Đức giảm 42%). Xuất khẩu sang Mỹ và Nga giảm ít nhất là 16%. Xuất khẩu sang Anh giảm 48%, sang Australia và Canada giảm 35% và 37%.
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong tháng Tám đạt 588 triệu USD, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 20-33% so với cùng kỳ năm 2020.
So với tháng Bảy là tháng vẫn duy trì kim ngạch tăng nhờ lượng hàng dự trữ, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng Tám giảm 31%. Trong đó, tôm giảm mạnh nhất với mức giảm 36%, cá tra giảm 31%, cá ngừ và cá biển khác giảm 25%, mực, bạch tuộc giảm 23%…
Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản đạt gần 5,6 tỷ USD, vẫn giữ mức tăng khoảng 7% nhờ kết quả xuất khẩu Bảy tháng đầu năm tăng cao. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 6,4% đạt 2,45 tỷ USD, xuất khẩu cá tra đạt 993 triệu USD, tăng 8,8%, xuất khẩu cá ngừ tăng 12%, xuất khẩu mực, bạch tuộc và cá khác tăng 4-5%.
Tính đến hết tháng Tám, xuất khẩu sang Mỹ vẫn duy trì được mức tăng trưởng gần 27%, sang EU tăng 10%. Xuất khẩu sang Hàn Quốc tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Trong top 5 thị trường, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm sâu 14,6%, xuất khẩu sang Nhật Bản giảm gần 3%. Ngoài Mỹ và EU, xuất khẩu sang các thị trường Australia và Nga sau 8 tháng vẫn giữ tăng trưởng cao, lần lượt tăng 25% và 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại khu vực trọng tâm của thủy sản Việt Nam, chiếm 90-95% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của toàn quốc cũng như lực lượng lao động của ngành hàng, gây khó khăn và áp lực đứt gãy ngày càng tăng đối với cộng đồng doanh nghiệp.
So với tháng Bảy, số doanh nghiệp tham gia xuất thuỷ sản trong tháng Tám giảm đi hơn 100 đơn vị. So với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ít hơn 150 đơn vị.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nếu trong tháng Chín dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp được nối lại thì việc duy trì đà tăng trưởng của ngành là không khó. Vì ở thời điểm này, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản tại các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu… đang phục hồi rất tốt.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú cho biết, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương nên cho doanh nghiệp áp dụng “1 cung đường nhiều điểm đến” theo nguyên tắc ưu tiên đảm bảo sức khoẻ, tính mạng của người lao động để nhà máy hoạt động tối đa công suất.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho công nhân tại các nhà máy chế biến thủy sản, các đầu mối thu gom thủy sản nhằm giảm đi lại, chi phí dịch vụ, duy trì sản xuất trước mắt và lâu dài, ổn định chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản.
Đại diện VASEP cho biết, với chủ trương hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trước tác động bởi dịch bệnh COVID-19 như Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ, doanh nghiệp ngành thuỷ sản hy vọng sẽ có điều kiện và các hỗ trợ để nối lại chuỗi cung ứng và hồi phục dần dần sản xuất, xuất khẩu từ sau 15/9 và tăng tốc vào 3 tháng cuối năm, đặc biệt từ tháng 10 – thời điểm nhu cầu và đơn hàng xuất khẩu thường tăng cao.
Theo Diệu Linh/Thời báo Ngân hàng