Xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2023 phải đối mặt với nhiều khó khăn: Khó tiếp cận và khai thác thị trường do việc gia tăng rào cản thương mại và yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm; vấn đề thẻ vàng IUU… Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), những mặt hàng chính bị cạnh tranh nhiều là tôm, cá tra và cá ngừ, đều là các nhóm hàng thuộc “câu lạc bộ tỷ đô”.
Nhiều mặt hàng đang có dấu hiệu tốt hơn
Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh do kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao. Nhiều thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều có sự sụt giảm từ 30 – 45%, thậm chí là 51% trong hai quý đầu năm.
Tuy nhiên, “thời gian gần đây đã có dấu hiệu tích cực ở các nhóm mặt hàng và các nhóm thị trường xuất khẩu. Xuất khẩu tôm, từ mức giảm hơn 30%, rồi xuống 20% và cuối cùng hiện nay thì chỉ còn giảm hơn 10% so với cùng kỳ 2022. Trong mấy tháng qua, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng có sự tăng trưởng đáng kể như cá tuyết, cá bằng, cá thu, cá sòng, cá chim, cá bơn, cá hố, cá đuối, cá trê…”, ông Nam cho biết.
Với mặt hàng tôm, ông Nam cho rằng thị trường Mỹ đã có dấu hiệu cải thiện nhu cầu tiêu dùng, tỷ lệ tồn kho sản phẩm tại các nhà phân phối, bán lẻ ở Mỹ đã giảm về mức trung bình. Cùng với đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tiếp tục được cải thiện. Dự báo tình hình tiêu thụ và nhập khẩu tại Mỹ sẽ khả quan hơn trong tháng 11 và 12 này.
Đồng quan điểm, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Hội đồng quản trị Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, các thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của công ty hiện nay là Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản đang có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là với những mặt hàng chế biến sâu vốn là lợi thế của ngành tôm Việt Nam có điều kiện thuận lợi để bứt phá trong quý IV/2023.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra trong tháng 10 cũng đạt 189 triệu USD, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính tới hết tháng 10, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,5 tỷ USD. Theo bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông của VASEP, hiện cá tra Việt Nam được đánh giá tốt về an toàn thực phẩm tại Mỹ. Doanh số bán phi lê cá tra tẩm bột cũng đang có dấu hiệu tốt hơn ở thị trường Trung Quốc từ đầu năm đến nay.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Chia sẻ về cơ hội của ngành thủy sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, hiện Trung Đông là thị trường có rất nhiều cơ hội. VASEP cũng đề nghị Bộ Công Thương quan tâm đến khu vực này và hỗ trợ hiệp hội ở khu vực này.
Theo ông Nam, hiện chi phí dịch vụ tham gia các hội chợ quốc tế thủy sản khá cao, Hiệp hội mong muốn Cục Xúc tiến thương mại xem xét phương án hỗ trợ linh hoạt trong việc chọn lựa các đơn vị cung cấp dịch vụ bên ngoài theo các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả. Hiệp hội cũng mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ tích cực các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, hiện nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ đang cải thiện do chuẩn bị phục vụ các dịp lễ cuối năm, đây sẽ là cơ hội cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, ông khuyến nghị doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường, hướng đến sản xuất sản phẩm chế biến sâu, hạn chế cạnh tranh về giá, kiểm soát chặt chẽ chất lượng lô hàng xuất khẩu sang thị trường, thường xuyên tham gia các hội chợ thuỷ sản và cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại.