Trước thực trạng nhu cầu tiêu thụ của thị trường truyền thống ngày càng suy giảm, các chuyên gia, doanh nghiệp khuyến nghị đây là thời điểm cần nhanh chóng tháo gỡ các nút thắt về quy định pháp luật, hàng rào kỹ thuật… để giảm chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; đồng thời hỗ trợ các ngành hàng mở rộng thị trường nhỏ, bù đắp cho thị trường lớn.
Đơn hàng sụt giảm, sức ép nhân đôi
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu giảm 21,3%, nhập khẩu giảm 28,9%. Điểm sáng của bức tranh thương mại hàng hoá là cán cân thương mại tháng 1/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD.
Sự sụt giảm của kim ngạch xuất nhập khẩu ngay trong tháng đầu năm là hiện tượng không phổ biến. Tổng cục Thống kê lý giải, tháng 1/2023 là tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nên số ngày làm việc chỉ bằng 1/3 so với các tháng trước đó, đã kéo giảm chỉ số sản xuất và hoạt động xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu suy giảm ở hầu hết các ngành chủ lực như điện thoại và linh kiện giảm 18,6%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 11.5%; dệt may giảm 30,7%; giày dép giảm 17,7%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 29,8%… Ở chiều ngược lại, một số ngành vẫn ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu, như dây điện và cáp điện tăng 11,4%; giấy và sản phẩm giấy tăng 5,9%; hàng rau, hoa quả tăng 3,1%… Tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng này được ghi nhận một phần là do lực cầu tăng từ sự mở cửa trở lại và phục hồi của kinh tế Trung Quốc (tăng 19,1%, chiếm 18,7% thị phần), trong khi xuất khẩu sang Mỹ giảm 24,5% (chiếm 30,3% thị phần) và EU giảm 32,7% (chiếm 12% thị phần).
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam chịu nhiều thách thức hơn khi lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới ngày càng giảm. Trên thực tế, đơn hàng xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực từ điện thoại, máy tính, dệt may, giày dép, thủy sản… đã giảm liên tiếp từ những tháng cuối năm 2022 đến nay. Theo ghi nhận từ các hiệp hội, ngành hàng, nếu như những tháng cuối năm 2022 đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm khoảng 20-25%, thì bước qua quý đầu năm 2023 tỷ lệ này là 30-40%. Bộ Công thương đánh giá, đường đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% của Việt Nam đang trở nên gập ghềnh hơn.
Bên cạnh đó, theo ghi nhận từ các ngành hàng, sự suy giảm đơn hàng đang nhân đôi sức ép cho doanh nghiệp bởi không chỉ giảm doanh số mà chi phí sản xuất lại tăng. Ông Nguyễn Văn Sang, Thành viên của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành xuất khẩu đồ gỗ đang gặp phải tình trạng khó chồng khó khi đơn hàng bị sụt giảm mạnh đồng thời phải “gồng mình” để giữ chân người lao động. Đây là năm hiếm hoi mà lực lượng lao động quay trở lại làm việc đông đảo, lên đến hơn 90% ngay sau kỳ nghỉ Tết (những năm trước chỉ đạt khoảng 70%).
Rút ngắn thời gian, chi phí vào thị trường mới
Trước thực trạng nhu cầu tiêu thụ của thị trường truyền thống ngày càng suy giảm, các chuyên gia, doanh nghiệp khuyến nghị đây là thời điểm cần nhanh chóng tháo gỡ các nút thắt về quy định pháp luật, hàng rào kỹ thuật… để giảm chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; đồng thời hỗ trợ các ngành hàng mở rộng thị trường nhỏ, bù đắp cho thị trường lớn.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đặt vấn đề, tình hình kinh tế và nhu cầu tiêu thụ của thế giới rất khó đoán định. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp thuỷ sản lo ngại nhất về vấn đề đảm bảo thu nhập cho người lao động. Bởi nếu như tình trạng giảm đơn hàng kéo dài hết quý I, quy mô sản xuất thu hẹp lại đồng nghĩa với việc khá nhiều lao động phải làm luân phiên hoặc tạm nghỉ. Điều đó dẫn đến sức ép chi phí về lương, bảo hiểm xã hội, phí Công đoàn… đặt lên vai doanh nghiệp. Ông Nam kiến nghị việc cải thiện môi trường kinh doanh cần gắn với việc tìm giải pháp cắt giảm các loại chi phí này.
Giải pháp khác là làm sao giúp các ngành hàng ngay lập tức mở rộng được thị trường và tìm kiếm khách hàng mới thông qua việc 15 FTA đang thực thi, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với khu vực thị trường EU, các nước châu Mỹ trong Hiệp định CPTPP nhằm bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Ngoài ra cần tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chia sẻ, việc khai thác thị trường mới tuy có tiến triển song thực tế vẫn khá chậm chạp. Ông phân tích, số liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng chứng nhận xuất xứ tại các thị trường mới dù có cải thiện nhưng không nhanh như với các thị trường trước đây như Hàn Quốc hay ASEAN. “Đáng lo ngại nhất là việc ban hành nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu rất chậm làm doanh nghiệp cảm thấy bất định hơn”, ông Dương nói.
Bên cạnh đó, mặc dù thời gian qua xu hướng phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu được nhắc đến nhiều, song việc triển khai vẫn rất chậm chạp. Ông Dương cho biết, các nước đối tác sẽ ban hành nhiều văn bản trong đó lồng ghép các rào cản kỹ thuật, có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của các nước xuất khẩu như Việt Nam. Trong thời điểm này, các doanh nghiệp cần đón đầu để có sự đầu tư và chuẩn bị cho quy trình sản xuất thích ứng với xu hướng mới. Tuy nhiên thực tế cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam không được quan tâm vấn đề này . “Con đường tới các thị trường mới, đáp ứng xu hướng mới có thể ngắn lại nếu các bên nỗ lực tìm kiếm và chia sẻ thông tin, ngược lại các cơ quan ngoại giao, tham tán thương mại… cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các văn bản này”, ông Dương khuyến nghị.
Theo Lan Hương/Thời báo Ngân hàng