Xuất khẩu gạo 4 tháng: Giá trị tăng dù lượng giảm

Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4/2021 ước đạt 700.000 tấn với giá trị đạt 362 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1,9 triệu tấn với giá trị 1,01 tỷ USD, giảm 10,8% về khối lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Nhu cầu về nhập khẩu gạo sẽ tăng ở nhiều nước trong năm 2021. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Trên thị trường thế giới, trong tháng 4/2021, giá gạo Việt Nam đạt 508 USD/tấn vào đầu tháng và đã giảm xuống còn 488 USD/tấn vào cuối tháng, nguyên nhân chính là do vụ Đông Xuân đã thu hoạch xong nên nhu cầu mua nguyên liệu giảm, chờ đợi vụ Hè Thu sắp tới.

Nhìn ra các thị trường đang nhập khẩu gạo của Việt Nam, tính trong 3 tháng đầu năm 2021, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất với 36,3% thị phần, khối lượng và giá trị đạt tương ứng 411.580 tấn và 219,96 triệu USD, giảm 30,7% về khối lượng và giảm 14,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Bờ Biển Ngà (gấp 2,7 lần) và Australia (tăng 66%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm nhiều là Mozambique (giảm 53,5%). Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2021 đạt 547,8 USD/tấn, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Về chủng loại xuất khẩu, trong ba tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 39,3% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 36,0%; gạo nếp chiếm 22,0%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 2,6%, còn các loại gạo khác chiếm 0,1%.

Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines (chiếm 63,1%), Cuba (chiếm 12,6%) và Malaysia (chiếm 5,7%).

Với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines (chiếm 21,9%), Ghana (19,8%) và Bờ Biển Ngà (chiếm 16,8%). Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (chiếm 82,5%), Malaysia (chiếm 6,7%) và Philippines (chiếm 4,3%). Với gạo japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất và nhì của Việt Nam là Đảo quốc Solomon (chiếm 11,8%) và Campuchia (chiếm 11,8%), tiếp theo là Saudi Arabia (chiếm 8,7%).

Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, năm 2021 dự báo điều kiện thời tiết không thuận lợi tại nhiều nơi trên thế giới nên sản lượng lương thực giảm ở nhiều quốc gia và nhu cầu nhập khẩu gạo sẽ tăng trong năm 2021. Thị trường châu Âu được dự báo sẽ sôi động hơn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực và Việt Nam là một đối tác thương mại gạo quan trọng.

Theo Đỗ Hương/baochinhphu.vn