Categories Thị trường

Xuất khẩu cao su giảm mạnh

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong tháng 4, xuất khẩu cao su đạt 78 nghìn tấn, tương đương 141 triệu USD, giảm 30% về lượng và giá trị so với tháng 3.

Trong thời gian tới, xuất khẩu cao su của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ giá dầu thô tăng cao, nguồn cung giảm và nhu cầu cao tại các thị trường lớn.
Trong thời gian tới, xuất khẩu cao su của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ giá dầu thô tăng cao, nguồn cung giảm và nhu cầu cao tại các thị trường lớn

Lũy kế 4 tháng, xuất khẩu cao su đạt 485 nghìn tấn, trị giá 857 triệu USD, tăng 4% về lượng và tăng 9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 4, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 58% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước. 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 326 nghìn tấn cao su, tương đương 562 triệu USD, không biến động về lượng và tăng 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Cục Xuất nhập khẩu thông tin, giá cao su tại sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) giảm mạnh sau kỳ nghỉ lễ. Ngày 9/5, giá cao su RSS3 giao tháng 6 ở mức 12.270 nhân dân tệ/tấn (1,82 USD/kg), giảm 3,8% so với cuối tháng 4 và giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân là Trung Quốc phong toả nhiều tỉnh, thành phố để ngăn chặn dịch COVID-19, khiến việc tiêu thụ lốp xe bị chậm lại, ảnh hưởng đến nhu cầu đối với cao su.

Trái với xu hướng giảm của thị trường Trung Quốc, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt như Ấn Độ, Nga, Mỹ, Pakistan, Tây Ban Nha, Anh tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và giá trị so với tháng 4/2021.

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng thị trường cao su có thể bị tác động bởi thiếu chất bán dẫn trong sản xuất ô tô, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên trong thời gian tới, xuất khẩu cao su của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ giá dầu thô tăng cao, nguồn cung giảm và nhu cầu cao tại các thị trường lớn.

Theo Vân Thư/Chất lượng&Cuộc sống