Sau những tháng đầu sụt giảm, đến nay xuất khẩu cá tra đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 725 triệu USD, tăng 2% so với cùng kì.
Thông tin từ Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 725 triệu USD, tăng 2% so với cùng kì năm 2023.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam nhiều nhất hiện nay là Mỹ, sau đó là Trung Quốc, châu Âu và một số nước Nam Mỹ.
Trong các sản phẩm cá tra Việt Nam, Mỹ hiện đang tăng cường nhập khẩu cá tra chế biến, giá trị gia tăng gấp 8,5 lần so với cùng kì năm 2023. Trong khi đó, cá tra đông lạnh vào thị trường Mỹ lại giảm sút do nhu cầu của người tiêu dùng giảm.
Riêng phile cá tra đông lạnh vẫn là mặt hàng chủ lực của xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu phile cá tra đông lạnh sang Mỹ đạt hơn 120 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 98% tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chia sẻ, người tiêu dùng tại Mỹ đang tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá thịt trắng, đặc biệt là cá tra từ Việt Nam.
Vừa qua, đông đảo doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia và giới thiệu các sản phẩm cá tra Việt Nam tại Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ. Với lợi thế của loài cá thịt trắng thơm ngon, phù hợp chế biến đa dạng món ăn, cá tra phile đóng gói, sản phẩm chế biến sẵn như fish sticks hay fish burgers đã hấp dẫn được các nhà nhập khẩu đến từ thị trường này.
Còn tại thị trường châu Âu, mặc dù sôi động trở lại từ tháng 4/2024 đến nay nhưng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 70 triệu USD, giảm 7% so với cùng kì năm 2023.
Bà Thu Hằng, đại diện truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết, Đức đã vượt Hà Lan trở thành điểm đến lớn nhất của cá tra xuất khẩu Việt Nam trong khối châu Âu. Ngoài ra, tháng 5/2024, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cũng ghi nhận nhiều thị trường trong khối châu Âu tăng trưởng dương về nhập khẩu cá tra Việt Nam, bao gồm: Lithuania tăng 215%, Tây Ban Nha tăng 69%, Bỉ tăng 62%, Hy Lạp tăng 46%, Bồ Đào Nha tăng 15%…
Châu Âu được các doanh nghiệp cá tra đánh giá là thị trường cần tập trung nhiều hơn vì nhu cầu tiêu thụ cá thịt trắng lớn. Bên cạnh tập trung các mặt hàng giá trị gia tăng, đảm bảo các tiêu chuẩn xanh vào thị trường này, các hoạt động truyền thông, tiếp thị cho mặt hàng cá tra cũng cần được tiếp tục đẩy mạnh.
Thời gian qua, gói tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng triển khai thành công. Dù thời gian triển khai theo kế hoạch là đến hết 30/6/2024 nhưng đến cuối tháng 1/2024, 13 NHTM tham gia chương trình đã giải ngân hoàn thành 100% mục tiêu của chương trình cho gần 6.000 lượt khách hàng vay vốn.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp lâm sản và thủy sản phục hồi và phát triển sản xuất trong thời gian tới, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các TCTD xem xét việc nâng quy mô Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng để trở thành gói 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và đã nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng. Đến nay, các NHTM đã hoàn thành việc đăng ký nâng quy mô và tiếp tục giải ngân cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với doanh số lũy kế đạt trên 17.500 tỷ đồng với trên 6.500 lượt khách hàng vay vốn.