Categories Uncategorized

Xu hướng phát triển bền vững trong ngành thực phẩm và đồ uống

Có 55% lãnh đạo các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống (F&B) tăng cường nhiều hoạt động liên quan đến môi trường và ngành F&B xếp thứ 3 về tổng điểm về phát triển bền vững toàn cầu.

Các con số này cho thấy xu hướng phát triển bền vững ngày càng nhanh chóng và hiệu quả tại các doanh nghiệp F&B.

Ngành F&B trước thách thức mang tên “biến đổi khí hậu”

Thực phẩm và đồ uống (F&B) là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất và có mối quan hệ mật thiết với cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới. Báo cáo nghiên cứu F&B của The Business Research Company phát hành vào tháng 1-2023 cho biết thị trường F&B được kỳ vọng sẽ hồi phục sau sự kiện COVID-19 và quy mô dự kiến tăng lên hơn 9.225 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng bình quân 6,3%.

Ở khía cạnh phát triển bền vững (PTBV), F&B hiện cũng là một trong những ngành dẫn đầu. Theo nghiên cứu của các chuyên gia tư vấn ESG EcoVadis trên 46.000 công ty, ngành F&B có số điểm là 48,9 – nằm trong Top 3 các ngành có điểm số cao nhất cho các vấn đề môi trường và điểm bền vững tổng thể, cùng với ngành xây dựng và tài chính, pháp lý và tư vấn.

Xu hướng phát triển bền vững của các doanh nghiệp F&B trên thế giới. (Nguồn: Freepik).

Bên cạnh đó, ngành F&B dễ hứng chịu các tác động do biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu dưới dạng thiên tai bão, lũ lụt và hỏa hoạn… là rủi ro đối với các công ty F&B, phá vỡ chuỗi cung ứng, giảm nguồn cung nguyên liệu. Điều này thúc đẩy cộng đồng F&B hướng hoạt động sản xuất và kinh doanh theo chiến lược bền vững.

Trên thế giới, nhiều công ty F&B đang hướng hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) vào công nghệ xanh, quy trình và sản phẩm bền vững hơn, 55% lãnh đạo doanh nghiệp F&B cho biết đã tăng cường đầu tư cho môi trường.

Những bước đi của doanh nghiệp Việt

Tại Việt Nam, F&B là một trong những ngành có vai trò quan trọng và nhiều tiềm năng phát triển. Theo nghiên cứu Euromonitor được công bố vào đầu năm nay, giá trị thị trường F&B Việt Nam trong năm 2023 dự kiến tăng 18% so với 2022, đạt mốc doanh thu khoảng 720.300 tỷ đồng. Trải qua giai đoạn biến động do đại dịch cùng với xu hướng đề cao các sản phẩm có tính xanh bền vững, các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam cũng liên tục chuyển mình theo hướng bền vững trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất.

Đơn cử như Vinamilk, thương hiệu ngành F&B có giá trị cao nhất năm 2022 (theo Forbes) đã liên tục đầu tư các công nghệ, giải pháp xanh, bền vững tại hệ thống trang trại và nhà máy sản xuất, cho thấy sự cam kết và nỗ lực với định hướng bền vững ở tầm chiến lược và dài hạn.

Nhiều doanh nghiệp đã chuyển dịch nhanh hơn trong hoạt động sản xuất xanh nhằm hạn chế tác động đến môi trường để phát triển bền vững.

Hiện nay, 13 trang trại, 10 nhà máy của Vinamilk đã lắp đặt năng lượng mặt trời, song song đẩy mạnh các năng lượng xanh như Biomass, CNG (tại nhà máy), Biogas (tại trang trại). Tại nhà máy, 87% năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch đã được thay thế bởi năng lượng xanh, sạch từ Biomass, CNG; 15%-20% điện sử dụng được khai thác từ năng lượng mặt trời. Vinamilk cũng xây dựng mô hình trang trại bò sữa sinh thái Green Farm, hữu cơ Organic, thực hành chăn nuôi bò sữa theo định hướng nông nghiệp bền vững.

Song song đó, Vinamilk thực hiện và hoàn thành trồng một triệu cây xanh cho Việt Nam. Tiếp đó, là hoạt động trồng cây hướng đến Net Zero, giai đoạn 5 năm từ 2023-2027. Gần đây nhất, doanh nghiệp này cũng đã công bố Nhà máy và trang trại bò sữa Vinamilk tại Nghệ An được Viện tiêu chuẩn Anh Quốc – BSI (Anh) và Bureau Veritas (Pháp) chứng nhận đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS2060:2014. 100% cửa hàng Vinamilk trên toàn quốc đang sử dụng túi làm từ nhựa tái chế, các muỗng nhựa, ống hút nhựa và màng co đang được doanh nghiệp này cắt giảm có lộ trình.

Có thể nói, câu chuyện của Vinamilk là điển hình của một doanh nghiệp F&B trong làn sóng chuyển đổi xanh, minh họa một cách rõ nét cho sự chuyển dịch tất yếu của lĩnh vực quan trọng này tại Việt Nam và trên thế giới.

Theo PV/kinhtenongthon.vn