Xem xét đưa thịt heo vào hàng bình ổn giá

Ngày 13-5, Văn phòng Chính phủ cho biết vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I/2020.

Theo đó, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường, giá cả phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tập trung nhiều giải pháp vào nhóm mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, thịt heo, gạo. Với xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá ổn định hoặc không tăng giá đột biến, góp phần bình ổn giá cả thị trường trong nước, hỗ trợ đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Xem xét đưa thịt heo vào hàng bình ổn giá - Ảnh 1.
Giá thịt heo đã tăng nhiều trong thời gian qua.

Thủ tướng cũng kết luận cơ bản không xem xét điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2020. Đối với việc miễn, giảm giá điện trong 3 tháng cho một số đối tượng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục đánh giá, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả, nhất là giảm giá điện đối với đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo. Về mặt hàng lúa gạo, Thủ tướng giao 3 bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp để điều hành, quản lý nhằm bình ổn thị trường cũng như công tác xuất khẩu.

Đối với mặt hàng thịt heo sau thời gian neo giá ở mức cao, Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm đưa giá heo hơi giảm về khoảng 60.000 đồng/kg.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ Công Thương, Tài chính, Công an kiểm tra giá thành heo hơi tại các DN chăn nuôi lớn. Trong trường hợp có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để thao túng giá thì xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, nhập khẩu đủ số lượng thịt còn thiếu. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ NN-PTNT nghiên cứu, nếu cần thiết kiến nghị đưa mặt hàng thịt heo vào danh mục thực hiện bình ổn giá theo quy định pháp luật về giá, gửi Bộ Tài chính tổng hợp đề xuất.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ, đầu mối bán buôn, bán lẻ mặt hàng thịt heo từ cửa trại, cửa chuồng của DN, người chăn nuôi đến DN, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng. Từ đó, làm rõ những bất cập, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục trong khâu lưu thông, phân phối nhằm giảm thiểu các khâu trung gian gây tác động tiêu cực, đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán…

Trong kết luận, Thủ tướng đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thành các thủ tục để trình Chính phủ xem xét phê duyệt, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do nhà nước định giá, nhằm bảo đảm công bằng trong biên soạn, sử dụng sách giáo khoa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 88 của Quốc hội năm 2014. Đồng thời, giải quyết hài hòa lợi ích của DN và quyền lợi của phụ huynh, học sinh.

Xăng tăng giá sau 8 lần giảm

Theo liên bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ ngày 13-5, giá xăng tăng trở lại sau 8 lần giảm. Theo đó, xăng E5 RON92 tăng 578 đồng/lít, xăng RON95 tăng 604 đồng/lít. Trong khi đó, mặt hàng dầu hỏa giảm 83 đồng/lít, dầu diesel hạ 84 đồng/lít và ma-dút giảm 125 đồng/kg. Như vậy, sau điều chỉnh, xăng E5 RON92 có giá bán lẻ 11.520 đồng/lít, xăng RON95 là 12.235 đồng; dầu diesel giảm còn 9.857 đồng/lít, dầu hỏa là 7.882 đồng/lít và dầu ma-dút là 8.545 đồng/kg.

Theo Minh Chiến/Báo Người lao động