Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết Asanzo đã nhờ một số người đứng tên để nhập linh kiện giúp trốn thuế. Sau đó, tiền được chuyển lại và vợ ông Phạm Văn Tam đã rút 500 tỷ đồng.
Sáng 28/10, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành về chống gian lận xuất xứ đối với vụ việc Asanzo. Đơn vị này cũng đưa ra báo cáo điều tra ban đầu xác minh về vụ việc Asanzo.
Nhờ người lao động đứng tên đại diện pháp luật
Đại diện diện cơ quan thuế đã công bố một số thông tin liên quan đến vụ việc và cho rằng Asanzo có nhiều dấu hiệu trốn thuế hàng chục tỷ đồng. Doanh nghiệp này có hành vi để ngoài sổ sách kế toán, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, ghi giá trên hóa đơn cao hơn thực tế… để trốn thuế.
Thực tế, Asanzo sử dụng hóa đơn đầu vào có nội dung ghi là mặt hàng điều hòa nhiệt độ không đúng với thực tế là linh kiện, không ghi chép trong sổ sách kế toán linh kiện và thành phẩm có dán tem Asanzo, bao bì nhãn hiệu Asanzo và khoản thu liên quan đến doanh thu, không xuất hóa đơn, không khai báo thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Doanh nghiệp này cũng không ghi chép trong sổ kế toán mặt hàng linh kiện điều hòa nhiệt độ mua từ các công ty: Trần Thoàn, Việt Tài, An Thiên về thuê bên ngoài gia công một phần (dàn nóng hoặc dàn lạnh) và phần còn lại tự sản xuất.
Cơ quan thuế cũng chỉ ra việc Asanzo sử dụng hóa đơn đầu vào của các công ty không còn hoạt động, chủ yếu do người lao động trong doanh nghiệp đứng tên giúp đại diện pháp luật để nhập linh kiện bán lại cho chính Asanzo.
Tuy nhiên, qua xác minh tài khoản ngân hàng, tiền lại được chuyển ngược về Tập đoàn Asanzo hoặc cá nhân bà Nguyễn Thị Hiền (vợ ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn) và các cá nhân là người lao động tại các công ty thuộc Tập đoàn Asanzo.
Số tiền mà bà Hiền đã rút ra ước tính hơn 500 tỷ đồng. Đặc biệt, các công ty này hiện nay không còn tồn tại tại địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế. Do đó, cơ quan thuế không có chức năng điều tra và không thể thực hiện xác minh làm rõ.
Dây chuyền lắp ráp không như quảng cáo
Ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, đã thông tin thêm về quá trình điều tra quy trình lắp ráp TV, điều hòa của Asanzo để trả lời cáo buộc “lừa dối người tiêu dùng”.
Theo đó, Asanzo có 12 dãy bàn với chiều dài khoảng 30 m, rộng 1,5 m (diện tích 45 m2) để lắp ráp TV. Ngoài ra còn có một phòng kiểm tra bảng mạch với 8 máy tính và 8 người làm việc.
“Việc lắp ráp được thực hiện thủ công bằng cách bắt vít, không lắp cấu hình chính. Dãy bàn này vừa lắp TV, vừa lắp điều hòa nhiệt độ. Lắp 1 cái TV cần 12 người và 30 người phụ trợ với thời gian lắp là 25 phút”, báo cáo của Hải quan nêu.
Khi lắp xong, doanh nghiệp đóng TV vào các bao bì mang nhãn hiệu Asanzo hình, in ngôn ngữ tiếng Việt, mã số mã vạch Việt Nam, xuất xứ Việt Nam. Sau đó, Asanzo bán cho 19 công ty khác để đưa ra thị trường nội địa.
Về quy trình lắp ráp điều hòa, ấm siêu tốc, các hoạt động chủ yếu là lắp ráp các bộ phận có sẵn để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.
“Đối chiếu với video quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng có hình ảnh dây chuyền, lắp ráp TV bằng máy móc, thiết bị hiện đại với thực tế tại cơ sở sản xuất của công ty cho thấy thực tế hoạt động lắp ráp không đúng như quảng cáo”, ông Thành nói.
“Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” là không đúng với thực tế
Về việc Asanzo sử dụng cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo, Tổng cục Hải quan khẳng định điều này không đúng với thực tế.
Tập đoàn Asanzo đã ký hợp đồng dịch vụ với công ty Sharp – Roxy (Hong Kong Ltd) tại Việt Nam để được cung cấp những phần mềm và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, trong hợp đồng cũng đề cập nội dung chuyển giao công nghệ lắp ráp chi tiết bằng video và thực hành trên mỗi phần của TV.
Tuy nhiên, hiện tại, công ty vẫn chưa thực hiện việc thanh toán dịch vụ như trong hợp đồng đã ký kết do chưa xin được xác nhận của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc chuyển giao công nghệ.
Đại diện Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam khẳng định đối tác trên hợp đồng là Sharp – Roxy không có thật và hợp đồng trên là giả mạo. Từ tháng 9/2016, tập đoàn Sharp Nhật Bản đã không còn liên doanh cùng công ty Shark – Roxy.
Qua xác minh của với đối tác nước ngoài, cơ quan hải quan nhận thấy kết quả trùng với xác nhận của đại diện Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam.
Bên cạnh đó, về danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, Tổng cục Hải quan cho biết nội dung thể hiện trên giấy chứng nhận cấp cho Công ty cổ phần điện tử Asanzo Việt Nam là “ngành điện tử gia dụng”. Trên thực tế, ngành điện tử gia dụng gồm rất nhiều sản phẩm nhưng Hội Doanh nghiệp cho biết giấy chứng nhận chỉ có giá trị với 2 sản phẩm là TV và smart box.
Hội Doanh nghiệp cũng xác nhận việc tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn năm 2019 của Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo.
Theo Văn Hưng/Zing.vn