VN-Index đi ngang trong vùng 1.480-1.520 điểm

Phiên giao dịch ngày 1/3 diễn biến tích cực, chỉ số VN-Index tăng điểm ngay khi mở cửa với sự hỗ trợ tích cực của các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VNM, VHM, GVR…

vn index di ngang trong vung 1480 1520 diem
Ảnh minh họa

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,65 điểm (+0,58%) lên 1.498,78 điểm. Toàn sàn có 247 mã tăng, 204 mã giảm và 51 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,14 điểm (+0,71%) lên 443,56 điểm. Toàn sàn có 129 mã tăng, 101 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,16%) lên 112,38 điểm.

Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với tổng giá trị khớp lệnh đạt 29.450 tỷ đồng, tăng 10,4% so với phiên trước; trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 10% lên mức 24.843 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu thép tiếp tục có phiên giao dịch tích cực với nhiều mã tăng mạnh như HSG, NKG, SMC, TVN, VIS. Nhóm bất động sản, xây dựng cũng thu hút dòng tiền khá tốt với hàng loạt mã tăng điểm như CEO, CII, DIG, DXG… Trong khi đó, nhóm ngân hàng có phần suy yếu về cuối phiên với nhiều mã đóng cửa trong sắc đỏ như ACB, MBB, STB, VPB… Nhóm ngành dầu khí bao trùm bởi sắc đỏ khi GAS, PVB, PLX, OIL, POS… đều giảm điểm.

Rổ VN30 có sự phân hóa mạnh mẽ khi xuất hiện nhiều mã ở cả hai danh sách tích cực và tiêu cực nhất đến Index. Thanh khoản thị trường cải thiện với giá trị giao dịch 3 sàn đạt hơn 31.000 tỷ đồng.

Nhìn sang khối ngoại, sau 3 phiên bán ròng liên tiếp trên sàn HoSE các nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng 127 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Cụ thể trên HoSE, khối ngoại mua ròng gần 9,6 triệu cổ phiếu với giá trị gần 149 tỷ đồng. Lực mua tập trung vào chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị 373 tỷ đồng, tiếp đến là NLG (63 tỷ đồng), VND (55 tỷ đồng), MBB (40 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng HPG với giá trị 287 tỷ đồng, tiếp đến là VIC (81 tỷ đồng), KBC (56 tỷ đồng), HDB (54 tỷ đồng).

Trên sàn Hà Nội (HNX), khối ngoại bán ròng hơn 798 nghìn cổ phiếu với giá trị gần 28 tỷ đồng. Lực bán tập trung vào TNG với giá trị khoảng 18 tỷ đồng, tiếp đến là PVS với giá trị khoảng 10 tỷ đồng. Ở chiều mua, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng CEO và SCI với giá trị lần lượt là 4 tỷ đồng và 2 tỷ đồng…

Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng với giá trị ghi nhận gần 6 tỷ đồng. Lực mua tập trung vào BSR với giá trị hơn 7 tỷ đồng, tiếp đến là các mã BVB và VEA với giá trị trên 1 tỷ đồng…

Nhận định thị trường cơ sở, các chuyên gia phân tích chứng khoán cho biết, thị trường chứng khoán khu vực châu Á diễn biến trái chiều trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục thận trọng trước diễn biến căng thẳng Nga và các nước phương Tây. Phương Tây cảnh báo, các lệnh trừng phạt sẽ chưa dừng lại nếu Moscow tiếp tục có các hành động leo thang ở Ukraine.

Thị trường trong nước tăng điểm trở lại và tiến đến ngưỡng 1.500 điểm trong phiên giao dịch ngày 1/3. Tuy nhiên, diễn biến phân hóa gia tăng và sự suy yếu của nhóm ngân hàng về cuối phiên khiến chỉ số đóng cửa chưa thể vượt qua được ngưỡng tâm lý.

Về kỹ thuật, bà Đinh Thái Huyền Trang, Giám đốc phân tích, Công ty CP Chứng khoán BOS cho biết, chỉ số VN-Index vẫn đang dao động trên MA50 và dưới MA10. Thanh khoản được cải thiện tích cực so với phiên trước đó cho thấy dòng tiền trên thị trường vẫn được duy trì và tiếp tục luân chuyển giữa các nhóm ngành. Tuy nhiên, chỉ báo MACD vẫn di chuyển dưới đường tín hiệu, cho thấy xu hướng yếu của thị trường, trong khi các chỉ báo RSI, MFI vẫn phát tín hiệu đi ngang.

“Thị trường dự kiến sẽ tiếp tục đi ngang trong vùng 1.480-1.520 điểm trong những phiên tới”, bà Trang nhận định.

Liên quan đến thị trường phái sinh, các hợp đồng phái sinh đóng cửa trái chiều trong phiên giao dịch ngày 1/3 trong đó, hợp đồng F2203 tăng 4,4 điểm lên 1.515,6 điểm. Điểm basic thu hẹp còn -4,52 điểm cho thấy tâm lý nhà đầu tư được cải thiện trong phiên nhưng vẫn khá thận trọng. Bên Long có phần thắng thế trong phiên nhưng vẫn khá thận trọng khi chỉ số hợp đồng tiến sát lên vùng 1.520 điểm.

Trên thị trường cơ sở, chỉ số VN30 tăng gần 3 điểm lên 1.520,12 điểm. Lực mua và lực bán tỏ ra khá cân bằng. Các nhà phân tích cho biết, đường MACD vẫn đang đi chuyển dưới đường tín hiệu, kèm theo sự suy yếu của chỉ báo MFI cho thấy dòng tiền đang có sự lưỡng lự. Khả năng chỉ số tiếp tục duy trì đi ngang trong vùng 1.510-1.530 điểm trong một vài phiên tới.

Theo Trần Hương/Thời báo Ngân hàng