VN-Index có thể sớm lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 840 – 845 điểm

Thị trường mở đầu phiên giao dịch cuối tuần khá tích cực với sắc xanh chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng khi VN-Index tiến vào vùng 860 điểm khiến thị trường đảo chiều và dần chìm trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm -2,61 (-0,31%) còn 851,98 điểm. Khối lượng giao dịch trong phiên đạt 300,386 triệu đơn vị với giá trị 4.285 tỷ đồng. Toàn sàn có 124 mã tăng và 253 mã giảm giá.

vn index co the som lui ve kiem dinh vung ho tro 840 845 diem
Diễn biến VN-Index ngày 26/6.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm nhẹ 0,62 điểm (0,55%) còn 113,45 điểm. Khối lượng giao dịch trong phiên đạt 56,907 triệu đơn vị với giá trị 475 tỷ đồng. Toàn sàn có 63 mã tăng và 87 mã giảm giá.

Còn trên sàn UPCoM, chỉ số UPCoM-Index giảm nhẹ 0,22 điểm (0,39%) còn 56,41 điểm. Khối lượng giao dịch trong phiên đạt 56,907 triệu đơn vị với giá trị 475 tỷ đồng. Toàn sàn có 110 mã tăng và 114 mã giảm giá.

Một số điểm nhấn đáng chú ý trong phiên là các cổ phiếu bluechips như VIC, VCB, VNM, GAS, HVN… giảm điểm đã tạo áp lực lớn lên chỉ số. Bên cạnh đó, sắc đỏ chiếm lĩnh trên các nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, dầu khí… cũng khiến thị trường càng thêm ảm đạm.

Dù vậy, một số cổ phiếu large-cap như SAB, NVL, VHM, TCB, MWG… tăng điểm cùng giao dịch tích cực ở nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp như BCM, SZL, SZL, NTC, SIP… đã góp phần nâng đỡ thị trường.

Giao dịch khối ngoại tiếp tục không mấy tích cực khi họ có phiên bán ròng hơn 150 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Cụ thể, trên HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng khá mạnh với giá trị 137 tỷ đồng. Lực bán tập trung vào VRE (-29,24 tỷ đồng), CII (-25,8 tỷ đồng), VNM (-23,2 tỷ đồng)…

Trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng với giá trị 4,1 tỷ đồng. Lực bán tập trung vào PVS (1,53 tỷ đồng), SHS (1,3 tỷ đồng).

Còn trên UPCoM, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 6 liên tiếp với giá trị 12,71 tỷ đồng. Trong đó, ACV (7,29 tỷ đồng), QNS (4,55 tỷ đồng), VEA (3,6) tỷ đồng…

Dưới góc nhìn của mình, đại diện Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết, diễn biến chung của các chỉ số là giao dịch tích cực trên vùng giá xanh trong suốt phiên sáng nhờ sự hồi phục của TTCK Mỹ đêm qua và sắc xanh ở đa số TTCK Châu Á trong cùng thời gian giao dịch.

Tuy nhiên, cung giá thấp bắt đầu tăng từ đầu phiên chiều. Mặc dù vậy, các chỉ số không giảm quá sâu khi xuất hiện lực cầu nhất định tại vùng giá thấp nhất của VN-Index và VN30-Index trong phiên là 850,66 điểm và 793,08 điểm giúp 2 chỉ số thu hẹp đà giảm về cuối phiên, đóng cửa tại 851,98 điểm và 795,53 điểm.

Trên bình diện chung, thị trường hôm nay phân hóa trên diện rộng với số mã giảm trên HoSE gấp 2 lần số mã tăng và trong phạm vi nhóm VN30 thì có 18 mã giảm so với 7 mã tăng. Số mã giảm hoàn toàn chiếm ưu thế cũng do tác động từ sự sụt giảm của nhiều cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ khi 2 chỉ số VN-Midcap Index và VN-Smallcap Index giảm mạnh hơn mặt bằng chung tương ứng 0,39% và 1,36%.

Sự sụt giảm trên diện rộng cũng khiến thị trường giao dịch khá rời rạc khi không ghi nhận được nhóm ngành nào có sự đồng thuận theo hướng tích cực. Sắc xanh chỉ rải rác ở một vài mã trong nhóm Ngân hàng (LPB, TCB, TPB), Bất động sản (VHM, NVL, NLG, PDR…), Vật liệu xây dựng (BCC, HT1, CVT, BMP…), Cao su săm lốp và Hóa chất (CSM, DGC, PAC, PHR, DPR…), Dược (DHG, DHT, PME…). Riêng nhóm dầu khí, dù giá dầu tăng tốt trong giờ giao dịch Châu Á nhưng hầu hết các cổ phiếu chủ chốt trong nhóm đều đóng cửa từ tham chiếu trở xuống.

Thanh khoản thị trường cũng tiếp tục đi xuống phiên thứ 4 liên tiếp. Qua kênh khớp lệnh, khối lượng giao dịch của VN-Index ghi nhận 252 triệu cổ phiếu giảm 9,6% so với phiên hôm qua trong khi giá trị giao dịch qua kênh này ghi nhận 3,086 tỷ đồng giảm đến 20,4%.

Giá trị giao dịch khớp lệnh giảm mạnh hơn khối lượng giao dịch do sự suy giảm thanh khoản lớn hơn ở nhóm VN30 về khối lượng giao dịch -28% và giá trị giao dịch -34,4%. Tính chung trên HoSE, tổng giá trị giao dịch qua 2 kênh khớp lệnh và thỏa thuận đạt 3,877 tỷ đồng thấp hơn khoảng 625 tỷ đồng so với phiên trước.

Về động thái khối ngoại, tổng thể đã bán ròng nhẹ -28 tỷ đồng trên HOoE; trong đó chủ yếu bán ròng ở nhóm VN-Midcap -50 tỷ đồng và VN-Smallcap -12 tỷ đồng. Tuy nhiên dòng tiền ròng của khối ngoại vẫn vào tốt nhóm VN30 với giá trị mua ròng +62 tỷ đồng giúp bù đắp giá bán ròng ở 2 nhóm còn lại.

Ảnh hưởng của khối ngoại lên giá cổ phiếu theo chiều mua không quá rõ nét, PLX (+105 tỷ đồng) và HPG (+44 tỷ đồng) là 2 cổ phiếu có GT mua ròng cao nhất nhưng vẫn đóng cửa mất điểm nhẹ, trong khi đó GEX (+19 tỷ đồng) và VHM (+19 tỷ đồng) lại đóng cửa với sắc xanh.

Ngược lại ở phía bán ròng, dẫn đầu về giá trị là 3 cổ phiếu VRE (-29 tỷ đồng), CII (-25 tỷ đồng), VNM (-23 tỷ đồng), HBC (-17 tỷ đồng), CTG (-11 tỷ đồng)… tất cả đều giảm điểm trừ CII tăng 0,53%.

Như vậy, TTCK Việt Nam đã có một tuần giao dịch không thành công với trạng thái lưỡng lự nghiêng về xu hướng giảm. Chỉ số VN-Index chỉ ghi nhận 1 phiên tăng nhẹ 2,72 điểm (+0,31%) vào phiên đầu tuần và giảm liền mạch 4 phiên sau đó đưa tổng mức giảm theo tuần của chỉ số lên -16.58 điểm (-1,19%). khối lượng giao dịch qua kênh khớp lệnh cũng giảm dần theo ngày cùng nhịp giảm của chỉ số. Khối ngoại cũng bán ròng tổng cộng -169 tỷ đồng trên HoSE sau 2 tuần mua ròng liên tục.

“Những diễn biến trên cho thấy dù không quá bi quan nhưng cung vẫn thường trực sẵn sàng gia tăng bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, diễn biến này cũng phát đi tín hiệu không mấy lạc quan cho xu hướng thị trường sắp tới khi tâm lý nhà đầu tư trong nước bắt đầu lo ngại khi cao điểm mùa công bố những con số quan trọng của quý II đang gần kề và khối ngoại cũng chưa cho thấy xu hướng rõ rệt trong bối cảnh rủi ro số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ đang manh nha tăng trở lại”, đại diện SSI nhận định.

Về phần mình, ông Chu Hà Thanh, Công ty CP Chứng khoán BOS cho biết, hầu hết các chỉ số chứng khoán lớn tại châu Á đều tăng điểm phiên giao dịch hôm nay, dù diễn biến dịch Covid-19 ở Mỹ và một số quốc gia đang hết sức phức tạp. Thị trường Việt Nam có phiên giao dịch trái chiều khi nối dài đà điều chỉnh. Áp lực bán tăng mạnh khi VN-Index tiến vào vùng 860 điểm đã khiến thị trường quay đầu điều chỉnh và tiến sát về ngưỡng kháng cự 850 điểm.

Về kỹ thuật, sự suy giảm của thanh khoản cho thấy dòng tiền vào thị trường đã tỏ ra thận trọng hơn. Chỉ báo MACD vẫn đang di chuyển theo hướng giảm và nằm dưới đường tín hiệu, cảnh báo sự suy giảm của xung lực thị trường trong những phiên tới. Các chỉ báo khác như RSI và Stoch… đều cho thấy rủi ro thị trường tiếp tục giảm điểm trong những phiên tới còn khá lớn. Diễn biến giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong vùng 850 – 860 điểm có thể còn tiếp diễn trong phiên tiếp theo.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý về khả năng VN-Index sẽ sớm lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 840 – 845 điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì trạng thái quan sát và hạn chế giải ngân mới tại thời điểm hiện tại của thị trường.

Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email