VN-Index bị đe dọa bởi những yếu tố nào?

Theo khuyến nghị của BVSC, để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư có thể nâng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục của mình lên 55%-70%, tuy nhiên chỉ nên tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechips.

Câu chuyện VN-Index tuần qua quay trở lại mức đỉnh 1.200 điểm (phiên ngày 18/3) để rồi sau đó mất mốc ngay trong phiên giao dịch ngày tiếp theo đã làm cho không ít nhà đầu tư tiếc nuối.

Phải nói ngay, việc VN-Index chinh phục lại mức 1.200 điểm phần lớn là do các cổ phiếu bluechips, nhất là nhóm ngân hàng tăng giá trên diện rộng như TCB tăng 4,1%, BID tăng 3,9%, EIB tăng 3,8%. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng tăng 1,06% nhờ các cổ phiếu Vingroup đồng loạt tăng và nhiều cổ phiếu khác trong ngành cũng có mức tăng tích cực như DXG tăng 2,9%, KDH tăng 2,2%, FLC 42%…

Ảnh minh họa.

Mặc dù nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm dẫn dắt như ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục diễn biến tích cực để nâng đỡ thị trường trong giai đoạn hiện nay. Nhưng động lực tăng điểm của chứng khoán còn đến từ động thái tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mới đây, quốc hội Mỹ tiếp tục thông qua dự luật về gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD liên quan tới đại dịch COVID-19. Tính từ khi đại dịch bùng phát, Mỹ đã tung ra 3 gói cứu trợ với tổng giá trị lên đến 5.000 tỷ USD. Đáng chú ý, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã công bố kết quả cuộc họp kỳ tháng 3, trong đó cam kết tiếp tục duy trì môi trường lãi suất như hiện tại, bất chấp lạm phát đang ở giai đoạn tăng. Fed dự báo trong năm 2021, lạm phát của Mỹ sẽ lên tới 2,4%. Tuy nhiên, ông Jerome Powell – Chủ tịch Fed vẫn tin rằng, trên tổng thể thì lạm phát vẫn nằm dưới mức dài hạn 2%.

Mức lạm phát dự báo cao hơn trong năm nay được cho là do nền số liệu thấp trong tháng 3 và tháng 4 năm 2020, mức nền được dùng để làm cơ cở tính toán. Đồng thời, Fed cũng đề cập đến rủi ro mà các nhà đầu tư luôn lo ngại đến bấy lâu nay, đó là việc sức cầu hồi phục quá nhanh vượt quá khả năng cung ứng của sức cung dẫn tới hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Tuy nhiên hiện tượng này có thể chỉ là tạm thời và sẽ chỉ có tác động mang tính bổ sung ngắn hạn đến lạm phát.

Bên cạnh đó, những ý kiến lo ngại về sức tăng không bền vững của VN-Index là do khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng, ngay như trong phiên VN-Index xác lập cột mốc 1.200 với giá trị bán ròng 343 tỷ đồng.

Trong khi đó, những lo ngại chủ yếu đến từ các chính sách chưa rõ ràng của Fed, bất chấp cam kết giữ mặt bằng lãi suất thấp của tổ chức này. Tại Mỹ, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức 1,75% – mức cao nhất trong 1 năm qua, song Fed vẫn phát đi tín hiệu không e ngại đà tăng của lợi suất trái phiếu. Thêm vào đó, Fed mới chỉ đưa ra tuyên bố tiếp tục bơm tiền chứ không nói sẽ bơm nhiều hơn nữa. Hiện thị trường đang cần Fed bơm nhiều tiền hơn nữa để kéo lợi suất trái phiếu đi xuống. Hàng loạt chỉ số cổ phiếu, đặc biệt là Nasdaq với đa phần các cổ phiếu công nghệ đã sụt giảm gần 2%.

Một yếu tố khác là thị trường Trung Quốc có thể là ẩn số rủi ro khó đoán cho thị trường tài chính khu vực châu Á trong thời gian tới. Chứng khoán Trung Quốc đã chính thức bước vào giai đoạn con gấu (correction territory) theo đánh giá của tờ Financial Times. Nguyên do giới đầu tư lo ngại các chỉ số hàng đầu như Shanghai và Shenshen đã tăng quá cao và dễ bị rủi ro trong trường hợp lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục đi lên. “Đang có nỗi lo về bong bóng tài sản đổ vỡ tại các thị trường nước ngoài, đi cùng tác động của chúng đến hệ thống tài chính Trung Quốc cũng như khu vực bất động sản”, ông Guo Shuqing – lãnh đạo cấp cao tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cảnh báo.

Theo nhận định của chứng khoán BVSC, về mặt dài hạn các nhà đầu tư ở Việt Nam cần lưu ý Fed có thể sẽ sớm chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng và thậm chí có thể sẽ tăng lãi suất trong năm 2022 nếu lạm phát có dấu hiệu căng thẳng hơn. Theo khuyến nghị của BVSC, để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư có thể nâng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục của mình lên 55%-70%, tuy nhiên chỉ nên tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechips.

Theo Nam Minh/Thời báo Ngân hàng