Trải qua một thập kỷ, đã có tổng cộng 138 doanh nghiệp được xét chọn và vinh danh trong danh sách uy tín của Forbes Việt Nam và chỉ có chưa đến 10 doanh nghiệp góp mặt đầy đủ trong cả 10 lần xếp hạng, trong đó có Vinamilk.
Một thập kỷ “lửa thử vàng”
Vừa qua, Vinamilk đã được Forbes Việt Nam vinh danh là 1 trong 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2022 và cũng là doanh nghiệp duy nhất trong ngành thực phẩm & đồ uống được danh sách này gọi tên liên tiếp 10 năm liền từ năm 2013 đến nay với các thứ hạng cao.
Forbes Việt Nam nhận định, 10 năm là khoảng thời gian tương đối dài để đánh giá sự thay đổi. Sự thay đổi của doanh nghiệp cũng phần nào phản ánh cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam đã từng bước dịch chuyển đến những lĩnh vực kinh doanh–sản xuất có hàm lượng kỹ thuật và giá trị cao hơn.
10 năm giữ vững vị trí 1 trong những doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam, đối với Vinamilk là một hành trình “lửa thử vàng” với nhiều thăng trầm cùng thách thức phải liên tục sáng tạo, thay đổi để vượt lên chính mình, để dẫn đầu. Tại thời điểm năm 2013, Vinamilk có doanh thu là 31.586 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 6.534 tỷ đồng.
Vinamilk là đơn vị đóng góp lớn vào lợi nhuận của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), đơn vị quản lý vốn ở hàng trăm doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa. Tính từ năm 2013 đến năm 2021, tổng đóng góp ngân sách Nhà nước của Vinamilk đạt 37.644 tỷ đồng.
Theo số liệu kế hoạch kinh doanh năm 2022, doanh thu của Vinamilk gấp đôi kể từ thời điểm 2013, tương đương 64.070 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 12.000 tỷ đồng. Vốn hóa là 180.572 tỷ đồng, tương đương 7,9 tỷ USD. Tính đến ngày 31/12/2021, Vinamilk vẫn là cổ phiếu “blue-chip” trong rổ của các định chế tài chính nước ngoài từ Dragon Capital, VinaCapital, VCBF…
Chuyển đổi cho hành trình mới
Trong những năm gần đây, để tạo ra động lực tăng trưởng mới, Vinamilk đẩy mạnh đầu tư và hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước để phát triển, mở rộng công ty, chuẩn bị sẵn sàng cho các mục tiêu phát triển 5 năm sắp tới.
Trong một chia sẻ về hành trình sắp tới của Vinamilk, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk đã nói: “Những gì tốt thì mình giữ, những cái gì chưa tốt cần thay đổi. Và để thay đổi nhanh, mạnh mẽ và hiệu quả, theo tôi những gạch đầu dòng lớn nhất là: Đổi mới sản phẩm-đổi mới tư duy-đổi mới quy trình”.
Trong năm 2021, Vinamilk cũng thực hiện nhiều hoạt động đầu tư và liên doanh như đầu tư xây dựng nhà máy sữa tại Hưng Yên có vốn đầu tư 4.600 tỷ đồng; hợp tác với Tập đoàn De Monte phân phối sản phẩm Vinamilk tại thị trường Philippines; ký kết biên bản ghi nhớ với đối tác Nhật Bản trị giá 500 triệu USD cho dự án chăn nuôi bò thịt ở Vĩnh Phúc. Mới đây, vào tháng 5/2022, Vinamilk đã tiến hành khởi công Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu có tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 3.150 tỷ đồng.
Bên cạnh những thành tựu trong kinh doanh sản xuất, trong hơn 10 năm qua, Vinamilk còn được biết tới là một doanh nghiệp đi đầu và tích cực trong định hướng phát triển bền vững. Năm 2013 đến nay cũng là khoảng thời gian Vinamilk đẩy mạnh xây dựng phần lớn trang trại hiện có theo các tiêu chuẩn của quốc tế như Organic châu Âu, thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu Global GAP.
Vinamilk đã bắt tay triển khai năng lượng tái tạo-năng lượng sạch tại các nhà máy và trang trại, vận dụng kinh tế tuần hoàn để tận dụng & tái tạo tài nguyên, đẩy nhanh tiến trình giảm phát thải trong chuỗi giá trị và đặt mục tiêu tiến tới phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào 2050. Hơn 1 triệu cây xanh cho Việt Nam và hàng chục triệu ly sữa trao tặng cho trẻ em cũng được doanh nghiệp thực hiện qua nhiều chương trình cộng đồng trong giai đoạn này.
Năm 2021, Vinamilk hiện thuộc top 40 công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu (theo Plimsoll, Anh) và Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu (theo Brand Finance). Tính đến nay, công ty có gần 20.000 người lao động làm việc tại hơn 40 đơn vị trong nước và các chi nhánh ở nước ngoài. Sản phẩm Vinamilk đã được xuất khẩu đi 57 thị trường, doanh thu lũy kế đạt hơn 2,6 tỷ USD.
Theo Phương Dung/baochinhphu.vn