Số liệu kết quả kinh doanh đến ngày 31/10 của VietinBank cho thấy, các chỉ số quy mô và hiệu quả đều có sự tăng trưởng tích cực, tiến sát mục tiêu hoàn thành kế hoạch năm 2021. Bên cạnh đó, VietinBank còn đi đầu trong tập trung nguồn lực và triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Quy mô và hiệu quả tăng trưởng tích cực, thực chất
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2021, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank đã chia sẻ các thông tin liên quan đến kết quả kinh doanh của đơn vị này vào thời điểm hiện tại cũng như định hướng, kế hoạch phát triển trong thời gian tới.
Theo đó, số liệu cập nhật hết tháng 10/2021 của VietinBank, tính đến 31/10/2021, tổng tài sản VietinBank tăng 8,1%; tổng nguồn vốn tăng gần 8%, trong đó nguồn vốn thị trường 1 tăng 10%; tín dụng tăng 8%, các chỉ tiêu tuân thủ đạt tốt…
Điều này cho thấy VietinBank đang bám sát kế hoạch năm, đảm bảo tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao.
“Kết quả đạt được là nhờ quá trình tích lũy, nỗ lực của toàn hệ thống VietinBank trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với hiệu quả thực chất, phù hợp với năng lực vốn và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN; thực hiện hiệu quả các biện pháp cải thiện cơ cấu tài sản sinh lời; cải thiện mạnh mẽ sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý cân đối vốn, quản trị tài chính hiệu quả; nâng cao năng suất lao động”, Chủ tịch VietinBank nói.
Kiên trì tăng trưởng bền vững
Với vai trò là ngân hàng thương mại lớn, chủ lực, trụ cột, VietinBank tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ thiết thực cho khách hàng từ việc giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của NHNN, đưa ra các gói giải pháp hỗ trợ giúp khách hàng khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động và phục hồi, phát triển qua giai đoạn đại dịch COVID-19.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, tổng số tiền VietinBank giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng khoảng 6.000 tỷ đồng. Dự kiến cả năm, con số này vào khoảng 7.000 – 8.000 tỷ đồng.
Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp tiềm ẩn nguy cơ tăng nợ xấu cao, VietinBank đang tăng cường các giải pháp kiểm soát chất lượng nợ, xây dựng những kịch bản sẵn sàng để ứng phó với các khó khăn trong thời gian tới. Đặc biệt, VietinBank chủ động tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu, đảm bảo có bộ đệm dự phòng cho các biến cố của nền kinh tế.
Dự kiến cuối năm 2021, VietinBank kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,4%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 169%. Chi phí trích lập dự phòng rủi ro dự kiến 17.000 tỷ đồng.
Về triển khai nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm, người đứng đầu VietinBank cho biết Ngân hàng sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp cốt lõi, như kiểm soát chi phí vốn; đồng thời thúc đẩy hoạt động thu ngoài lãi; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sinh lời tốt cho ngân hàng, đẩy mạnh cho vay trung và dài hạn.
Ban lãnh đạo ngân hàng sẽ nỗ lực cao nhất để đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực quản trị, điều hành đưa VietinBank chinh phục những đỉnh cao thành công mới; giữ vững vị thế và duy trì năng lực phát triển hàng đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, ông Trần Minh Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh việc bảo vệ nguồn nhân lực, thúc đẩy hoạt động kinh doanh hiệu quả, VietinBank là một trong những ngân hàng tiên phong thực hiện có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, đặc biệt là chung tay cùng Chính phủ và cộng đồng trong việc phòng, chống và đẩy lùi dịch COVID-19. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, VietinBank đã ủng hộ công tác phòng, chống dịch trên cả nước hơn 220 tỷ đồng.