Dư nợ tín dụng hợp nhất của VietinBank ước đạt 1,14 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng bình quân tăng 12,3% so với năm 2020. Huy động vốn được cân đối tối ưu với tốc độ tăng trưởng tín dụng, chi phí vốn được tiết giảm mạnh. VietinBank thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, hiệu quả, đẩy mạnh phát triển phân khúc bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng, hoạt động kinh doanh năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội đến các điểm cầu toàn hệ thống VietinBank.
Theo lãnh đạo VietinBank, trong năm qua, trên tinh thần đổi mới từ suy nghĩ đến hành động, quyết liệt thực hiện các chủ điểm trọng tâm kinh doanh, toàn hệ thống VietinBank tiếp tục cải thiện về quy mô, chuyển dịch cơ cấu hoạt động theo hướng an toàn, hiệu quả, khẳng định vai trò NHTM chủ lực, trụ cột trong nền kinh tế. Kết quả hoạt động năm 2021 của VietinBank đạt và vượt các mục tiêu kế hoạch, đặc biệt với các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, huy động vốn, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và thu phí dịch vụ.
Tổng tài sản hợp nhất ước đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với 2020. Dư nợ tín dụng hợp nhất ước đạt 1,14 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng bình quân tăng 12,3% so với năm 2020. Huy động vốn được cân đối tối ưu với tốc độ tăng trưởng tín dụng, chi phí vốn được tiết giảm mạnh. Nguồn vốn huy động thị trường hợp nhất ước đạt 1,16 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2020.
Với chiến lược “Khách hàng là trung tâm”, VietinBank đã triển khai các chủ điểm kinh doanh theo hướng cung cấp giải pháp dịch vụ tài chính ngân hàng toàn diện cho khách hàng, trở thành ngân hàng phục vụ chính và đáp ứng nhu cầu của toàn bộ hệ sinh thái của khách hàng với các quy trình xử lý đơn giản, thời gian xử lý giao dịch nhanh. Cùng với đó, ngân hàng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, hiệu quả, đẩy mạnh phát triển phân khúc bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ… Tính đến 31/12/2021, tỉ trọng dư nợ bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 57%, cải thiện tích cực so với mức 54% của năm 2020.
Sau gần 5 năm nỗ lực triển khai phương án tăng vốn điều lệ, tháng 7/2021, ngân hàng đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ 10.800 tỷ đồng thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức tiền mặt các năm 2017-2019. Từ đó, tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng, tạo tiền đề nâng cao năng lực tài chính, tạo đà tăng trưởng của VietinBank.
Ngân hàng đã triển khai nền tảng ngân hàng số eFAST mới cho gần 70% khách hàng tổ chức của mình, tích hợp toàn bộ các sản phẩm ngân hàng giao dịch, như thanh toán, quản lý khoản phải thu/phải trả, quản lý thanh khoản, tài trợ thương mại, tài trợ chuỗi cung ứng. Mở rộng hệ sinh thái, tiến tới ngân hàng mở, cung cấp sản phẩm, dịch vụ của VietinBank trên các ứng dụng của đối tác…
Đặc biệt, VietinBank là ngân hàng tiên phong thực hiện các chính sách của Chính phủ và NHNN trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và đi đầu trong công tác an sinh xã hội. Năm 2021, VietinBank đã chủ động cắt giảm hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận để triển khai hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Kể từ thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến cuối tháng 12/2021, ngân hàng đã cho vay mới hơn 940.000 tỷ đồng cho khoảng 22.000 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh; hỗ trợ giảm lãi suất cho khoảng 25.000 khách hàng với dư nợ được miễn giảm lãi suất hơn 400.000 tỷ đồng. VietinBank tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của NHNN cho khoảng 2.000 khách hàng. Ngân hàng này đã dành kinh phí tài trợ công tác an sinh xã hội với tổng số tiền gần 500 tỷ đồng, trong đó dành hơn 166 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19…
Với những định hướng điều hành thống nhất, những sản phẩm dịch vụ (SPDV) nổi trội và kết quả kinh doanh ấn tượng trong thời gian qua, vị thế, uy tín của VietinBank tiếp tục được khẳng định với nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế: Top 10 Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam 2021, Top 100 Doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2021 (CSI 100), Giải thưởng Sao Khuê 2021, Giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc 2021, nhóm 3 giải thưởng uy tín do The Asian Banker trao tặng …
Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước được dự báo phục hồi trong trạng thái bình thường mới, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho rằng, năm 2022 được xác định là năm bản lề để VietinBank thúc đẩy tăng trưởng đột phá. Toàn hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung cao độ các nguồn lực để xây dựng và triển khai mạnh mẽ các trọng tâm kinh doanh, bám sát các mục tiêu đã đề ra ngay từ đầu năm.
Trên cơ sở đó, một số mục tiêu chính của VietinBank trong năm 2022 để trình cấp thẩm quyền phê duyệt dự kiến như sau: Tổng tài sản: tăng trưởng khoảng 5-10%; tín dụng tăng trưởng khoảng 10-14%; nguồn vốn huy động: tăng trưởng 10- 12%; tỉ lệ nợ xấu dưới 2%; lLợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, tăng trưởng 10-20%.
Theo Anh Minh/baochinhphu.vn