VietinBank: Chỉ số nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 3 lần tính từ năm 2015

Chỉ số nợ có khả năng mất vốn của VietinBank đã tăng hơn 3,5 lần từ gần 2,8 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên hơn 9,4 nghìn tỷ đồng năm 2018, tuy nhiên trong cùng thời gian lợi nhuận sau thuế lại giảm 300 nghìn tỷ đồng.

Nợ xấu và nợ có khả năng mất vốn tăng phi mã
Theo báo cáo tài chính hợp nhất thường kỳ của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) công bố, nợ xấu của đơn vị này đã tăng trong nhiều năm liên tiếp. Chỉ số này đã đạt đỉnh là gần 10,5 nghìn tỷ đồng hồi quý I/2019 rồi giảm xuống vào quỹ II rồi lại tiếp tục tăng lên thành hơn 8,8 nghin tỷ đồng tính đến hết quý III/2019.
Trích báo cáo tài chính quỹ III/2019 của VietinBank.

Nếu tính từ năm 2015, cả 2 chỉ số gồm nợ xấu và nợ có khả năng mất vốn của VietinBank đều tăng gấp nhiều lần. Theo đó, vào thời điểm hết năm 2015, nợ có khả năng mất vốn của VietinBank chỉ là gần 2,8 nghìn tỷ đồng, chưa đến 1/3 con số hiện tại. Nợ xấu của ngân hàng này thời điểm năm 2015 là hơn 4,9 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng hơn 1/3 con số hơn 14 nghìn tỷ đồng thời điểm hết quỹ III/2019. Chỉ số nợ xấu của ngân hàng này cũng đã thiết lập đỉnh là gần 16 nghìn tỷ đồng vào quý I/2019.

Trích báo cáo tài chính quý I/2019 của VietinBank, thời điểm chỉ số nợ có khả năng mất vốn của doanh nghiệp này đạt đỉnh so với các quý.
Theo các báo cáo, nhóm nợ “xấu nhất” (nợ có khả năng mất vốn) của VietinBank luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng “nợ xấu”, lấn át 2 nhóm nợ còn lại là “nợ dưới tiêu chuẩn” và “nợ nghi ngờ mất vốn”. So với con số tổng nợ xấu tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 của VietinBank, nợ có khả năng mất chiếm hơn 62%.
Theo quy định tại Thông tư 02/2013 của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có và mức trích lập dự phòng rủi ro, với nhóm nợ có khả năng mất vốn này, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro với tỉ lệ trích lập dự phòng cao nhất là 100%.
Lợi nhuận sau thuế tăng giảm phập phù
Ngược lại với 2 chỉ số nợ xấu và nợ có khả năng mất vốn thì lợi nhuận của VietinBank trong nhiều năm nay tăng giảm thất thường. Nhìn về cách đây gần 10 năm, hồi năm 2011 thì VietinBank đã đạt lợi nhuận sau thuế là hơn 6,2 nghìn tỷ đồng. Chỉ số này giảm đều đến năm 2015 chỉ còn hơn 5,7 nghìn tỷ đồng.
Trích báo cáo tài chính của VietinBank cho thấy trong những năm qua lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này tăng giảm phập phù.

Đến năm 2017, lợi nhuận sau thuế của VietinBank tăng lên thành hơn 7,4 nghìn tỉ đồng. Đến hết quỹ III/2018, báo cáo lợi nhuận lũy kế của VietinBank là hơn 6,1 nghìn tỷ đồng nhưng sau đó lại đột ngột giảm mạnh còn hơn 5,4 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2018.

Theo báo cáo mới nhất quý III/2019, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này là hơn 6,8 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên đây chưa phải là con số cuối cùng của năm nay, nên chưa thể đưa ra so sánh với các năm trước.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 vừa được Vietinbank công bố cho thấy, tính đến ngày 30/9/2019, nhà nước hay Ngân hàng Nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này, nắm 64,46% cổ phần.
Để thông tin khách quan, PV báo Sức khỏe Cộng đồng đã liên hệ với Ngân hàng Vietinbank. PV đã đặt giấy giới thiệu và xin lịch hẹn trao đổi thông tin và có cán bộ văn phòng tiếp nhận nói rằng sẽ liên hệ lại. Tuy nhiên đã hơn 1 tuần trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời nào từ ngân hàng này.
Cũng theo các báo cáo, tổng tài sản của VietinBank hiện đã hơn 1,2 triệu tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 37 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 75 nghìn tỷ, thuộc tốp 4 ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên VietinBank tiếp tục bị tụt lại phía sau trong cuộc đua lợi nhuận với các ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV, Agribank hay thậm chí là các ngân hàng có tài sản ít hơn rất nhiều như Techcombank, MBBank, VPBank.
Được biết cổ phiếu VietinBank được niêm yết lần đầu trên sàn HOSE vào ngày 16/7/2019 với mã giao dịch là CTG. Giá cổ phiếu của VietinBank thời điểm hiện tại đã hạ xuống rất nhiều so với hồi mới niêm yết.
Theo Bá Cường – Ngọc Tân/baosuckhoedoisong.vn