Vietcombank triển khai phát hành cổ phiếu trả cổ tức, tỷ lệ 27,6%

HĐQT Vietcombank vừa phê duyệt tăng vốn điều lệ năm 2021 thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế sau khi trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019.

Trong con sóng tăng giá cổ phiếu ngành ngân hàng năm 2021, cổ phiếu VCB của Vietocmbank đứng ngoài lề khi giảm 3,7% từ đầu năm đến nay.
Trong con sóng tăng giá cổ phiếu ngành ngân hàng năm 2021, cổ phiếu VCB của Vietocmbank đứng ngoài lề khi giảm 3,7% từ đầu năm đến nay.

Đây là phương án đã được đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Vietcombank thông qua theo 2 cấu phần.

Cấu phần 1, Vietcombank phát hành 1.023.650.175 cổ phiếu cho cổ đông, tỷ lệ 27,6%. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt 800 đồng/cổ phiếu (tỷ lệ 8%). Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Vietcombank tăng từ 37.089 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng.

Cấu phần 2, Vietcombank chào bán riêng lẻ 307.614.295 cổ phiếu, tương đương 6,5% vốn điều lệ sau khi ngân hàng hoàn thành tăng vốn theo cấu phần 1. Các cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Vietcombank sẽ phát hành 46.137.914 cổ phiếu cho đối tác chiến lược Mizuho Bank Ltd để giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15%. Các nhà đầu tư khác, có thể bao gồm Mizuho Bank Ltd trong trường hợp đối tác này có ý định nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 15%, Vietcombank phát hành 261.476.381 cổ phiếu. Đợt phát hành thành công, vốn điều lệ của Vietcombank tăng lên 50.401 tỷ đồng.

Giá phát hành được xác định trên nguyên tắc: không thấp hơn giá định giá của tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp và bình quân số học của giá đóng cửa của 10 phiên giao dịch liền kề trước ngày phát nhà đầu tư thông báo mua. Nếu chỉ dựa vào thị giá hiện nay của cổ phiếu VCB, ngân hàng này có thể thu về khoảng 29.000 tỷ đồng cho đợt phát hành riêng lẻ.

Được biết cuối tháng 9, Thủ tướng đã phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Vietcombank. Theo quyết định, ngân hàng sẽ được bổ sung hơn 7.600 tỷ đồng theo tờ trình của Ngân hàng Nhà nước để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước.

Hiện nay, hai cổ đông lớn nhất tại Vietcombank là Ngân hàng Nhà nước và Mizuho Bank Ltd với tỷ lệ sở hữu lần lượt 74,8% và 15%.

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và VCB là hai cổ phiếu ngành ngân hàng hiếm hoi chịu số phận giảm giá lần lượt 18% và 3,7%. Tuy nhiên, Vietcombank lại giữ vị trí quán quân về vốn hóa tại thời điểm hiện tại với 349.747 tỷ đồng do cổ phiếu VIC của Vingroup giảm giá 4,7%.

Theo Nguyễn Như/Chất lượng&Cuộc sống

Print Friendly, PDF & Email