Categories Uncategorized

Việt Nam vượt khó, xuất siêu giữa tâm bão Covid-19

Bất chấp những diễn biến phức tạp và khó lường của dịch Covid-19 khiến nhiều thị trường chủ lực gặp khó khăn ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn xuất siêu 6,5 tỷ USD, cao gấp hơn 3 lần so với con số gần 2 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

Tín hiệu vui

Theo Bộ Công Thương, dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 ước tính đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước (Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2019 đạt 289 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước).

viet nam vuot kho xuat sieu giua tam bao covid 19
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 ước tính đạt 285,12 tỷ USD.

Trong cơ cấu xuất nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7/2020 ước tính đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước. Khu vực kinh tế trong nước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,5 tỷ USD, tăng 1,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7 tăng 0,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 10,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,9%.

Bất chấp nền kinh tế đang trong thời gian khó khăn, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn thặng dư tới 6,5 tỷ USD, cao gấp hơn 3 lần so với con số gần 2 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Nếu chỉ xét về tốc độ tăng trưởng xuất siêu, thì đây là điều đáng mừng.

Đáng chú ý, trong 7 tháng qua, ngoài các nhóm hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như linh kiện điện tử, máy tính, hàng dệt may, giày dép, gỗ và các sản phẩm gỗ…nhóm hàng nông, lâm thủy sản cũng xuất siêu ấn tượng.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông – lâm – thủy sản ước đạt gần 46 tỷ USD.  Trong đó, xuất khẩu ước đạt 26,1 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước khoảng 19,9 tỷ USD, giảm 2,5%; xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong bối cảnh một số sản phẩm trái cây gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, một điểm sáng lớn được báo chí nhắc tới nhiều là việc Việt Nam đang trở lại vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới. Không những vậy, mà giá gạo xuất khẩu Việt Nam cũng tăng cao, vượt Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan.

Trong 7 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,9 triệu tấn, giảm 1,4%, thế nhưng giá trị xuất khẩu đạt 1,9 tỷ USD và mức tăng giá trị lên tới 10,9%…Điều này cho thấy Việt Nam đang hướng tới sản xuất gạo chất lượng cao, cho mức giá tốt hơn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nền kinh tế xuất siêu trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như hiện nay là một tín hiệu đáng mừng. Xuất siêu lớn sẽ tác động tích cực tới tỷ giá hối đoái, tới dự trữ ngoại hối, trong bối cảnh Việt Nam đang rất cần giữ ổn định giá trị đồng nội tệ và cần có thêm nguồn lực để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Để có được con số ấn tượng này, không thể không kể đến những nỗ lực của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này, bất chấp bối cảnh xuất khẩu khó khăn, đại dịch lan rộng.

Triển vọng sáng từ EVFTA

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 5 tháng cuối năm được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương với việc Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 8 sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa và doanh nghiệp của Việt Nam.

Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD.

viet nam vuot kho xuat sieu giua tam bao covid 19
Nhiều triển vọng xuất khẩu từ EVFTA

Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ… là rất đáng kể.

Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).

Hỗ trợ xuất khẩu thông qua chuyển đổi số

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng, cùng với cơ hội từ EVFTA, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).

Mới đây, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá, tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), với hơn 500 doanh nghiệp tham gia.

Tại Diễn đàn này, Bộ Công Thương đã khai trương nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (ECVN) phiên bản 2020 nhằm hỗ trợ tối đa hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp khối EU và Việt Nam.

Trong đó, chú trọng quảng bá, nâng cao thương hiệu, phát triển các chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt có kim ngạch xuất khẩu lớn cũng như lợi thế của Việt Nam sang EU, bao gồm: dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, gạo, đường, gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm rau quả tươi và chế biến; điện thoại, máy móc, máy vi tính…

 

Theo Thái Hoàng/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email