Việt Nam Chính Thức Có Thương Hiệu Gạo Quốc Gia

Dù tự hào rằng hạt gạo Việt Nam đã có mặt trong bữa ăn tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, đến nay lần đầu tiên Việt Nam đã có thương hiệu gạo quốc gia. Để có được điều này, trước đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì cuộc thi để tìm kiếm biểu trưng logo của thương hiệu gạo Việt Nam.


Logo – Thương hiệu  gạo Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thông báo, thương hiệu gạo Việt Nam cũng đã đã nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid – hệ thống này được xây dựng trên cơ sở Nghị định thư Madrid và Thỏa ước Madrid. Cả hai văn bản này đều thiết lập một quy trình hành chính cho phép việc đăng ký thương hiệu ở nhiều quốc gia chỉ thông qua việc sử dụng một đơn đăng ký thương hiệu duy nhất.

Việc công bố logo thương hiệu gạo quốc gia tuy muộn nhưng vẫn có ý nghĩa thực sự quan trọng đối với ngành xuất khẩu lúa gạo bởi sẽ tạo nên dấu hiệu nhận biết riêng biệt và tạo nên hiệu ứng  lan tỏa cho sản phẩm gạo Việt Nam. Nhằm hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp, thương nhân sử dụng thương hiệu gạo quốc gia; Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết đầu tư, phát triển ổn định và khẳng định thương hiệu sản phẩm lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, ngành Nông nghiệp đã ban hành các tiêu chuẩn, qui định về việc sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam.

Theo Quyết định 1499/QĐ-BNN-CBTTNS 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam thì tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận khi đáp ứng các điều kiện: Được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư có nội dung đăng ký hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm gạo. Được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về chế biến, bảo quản, kinh doanh gạo hoặc cơ sở đã được cấp một trong các giấy chứng nhận: thực hành sản xuất tốt (GMP), hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực. Được tổ chức chứng nhận cấp giấy chứng nhận sản phẩm gạo phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam; hoàn thành nghĩa vụ thuế và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Các sản phẩm gạo mang nhãn hiệu được chứng nhận gồm gạo trắng, gạo trắng thơm và gạo nếp trắng. Về chất lượng sản phẩm, gạo mang nhãn hiệu gạo Việt Nam phải đảm các yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia. Theo đó, đối với gạo trắng phải đáp ứng tiêu chuẩn: TCVN 11888:2017; gạo thơm trắng là TCVN 11889:2017 và gạo nếp trắng là TCVN 8368:2010. Trường hợp khi có thay đổi về tiêu chuẩn, thì phải đáp ứng theo tiêu chuẩn mới nhất.

Quyết định còn quy định tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận kèm nhãn hiệu riêng của tổ chức, cá nhân trên bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh, quảng cáo và các giấy tờ giao dịch khác cho sản phẩm gạo đủ tiêu chuẩn theo qui định.

Theo Bộ Công thương, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu hiện chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Đặc biệt đã có sự chuyển đổi về giá xuất khẩu và tỷ trọng gạo chất lượng cao một cách tích cực. Giá xuất khẩu bình quân năm 2018 đạt 504,4 USD/tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2017 và cao hơn đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan từ 50 – 100 USD/tấn. Đó là kết quả của việc điều chỉnh từ chủ yếu xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp sang xuất khẩu gạo chất lượng cao, tỷ trọng gạo thơm tăng lên gần 10%, tỷ trọng gạo nếp, gạo tròn Japonica… đều tăng. Việt Nam hiện đã trở thành quốc gia có nhiều nông sản đứng vị trí hàng đầu về xuất khẩu trên thế giới. Năm 2018, nông sản Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD. Trong số đó, lúa gạo là mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Logo gạo Việt Nam có hình ảnh bông lúa cách điệu thành biểu tượng chim Lạc Việt, nằm trên nền xanh hình elip tượng trưng cho hạt gạo. Các lá lúa được biến tấu tạo hình chim Lạc Việt đang tung cánh trên ruộng đồng gợi nhớ đến nền văn minh lúa nước lâu đời; là biểu tượng đặc trưng của Việt Nam đã được nhận biết trên phạm vi toàn thế giới. Nền logo màu xanh lá mang thông điệp Việt Nam là một quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp phát triển với sản phẩm sạch, an toàn và thân thiện với môi trường.