Vì sao thanh khoản thị trường liên tiếp lập kỷ lục mới?

Sau phiên tăng mạnh hôm trước, ngày 13/4 thị trường trong nước đã giảm nhiệt, áp lực chốt lời sau đà tăng mạnh vào buổi sáng đã khiến chỉ số VN-Index không thể giữ được thành quả trong phiên hôm nay. Tuy nhiên điều tích cực lúc này là việc khối ngoại quay trở lại mua ròng.

Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 4,12 điểm xuống 1.248,33 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 0,84 điểm còn 1.277,35 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 113 mã tăng/312 mã giảm, ở rổ VN30 có 7 mã tăng, 20 mã giảm và 7 mã tham chiếu.

vi sao thanh khoan thi truong lien tiep lap ky luc moi
Thị trường giảm điểm nhưng thanh khoản liên tiếp lập kỷ lục.

Thanh khoản thị trường tiếp tục bùng nổ với giá trị khớp lệnh đạt hơn 20.423 tỷ đồng, cao nhất kể từ trước tới nay. Việc thanh khoản ở mức cao tuy nhiên phiên này chỉ số lại đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày là tín hiệu nên thận trọng. Giao dịch khối ngoại diễn ra tích cực khi họ quay trở lại mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị gần 190 tỷ đồng.

Đại diện Công ty CP Chứng khoán MBS cho rằng, thị trường trong nước rung lắc hôm nay không khó dự đoán sau khi chạm ngưỡng cản kỹ thuật, áp lực chốt lời khiến chỉ số đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên kèm thanh khoản cao là điều cần lưu ý, một phiên chốt lời thuần túy chưa ảnh hưởng đến xu hướng tăng của thị trường. Lúc này, nhóm cổ phiếu trụ chính là chỉ báo của thị trường, chừng nào nhóm này vẫn tiếp tục nâng đỡ thị trường hoặc tích cực hơn là luân phiên thay nhau dẫn dắt thì thị trường có thể dao động trong vùng 1.230 điểm – 1.250 điểm, kịch bản thận trọng chỉ khi chỉ số để mất ngưỡng 1.220 điểm.

Đại diện Công ty CP Chứng khoán BOS thì cho biết, dù hiện tượng nghẽn lệnh vẫn còn xuất hiện nhưng thanh khoản thị trường tiếp tục lập kỷ lục mới với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt trên 29.000 tỷ đồng. Về kỹ thuật, Công ty CP Chứng khoán BOS cho biết, VN-Index mất mốc 1.250 điểm kèm theo sự phân hóa gia tăng mạnh. Dù các chỉ báo kỹ thuật như MACD, RSI, MFI, ROC, Stoch… vẫn cho thấy đà tăng chưa kết thúc nhưng đã có tín hiện về sự yếu đi của đà tăng trong các phiên tới. Các nhịp giảm đan xen sẽ giúp đà đi lên của chỉ số được bền vững hơn.

“Nhiều khả năng, VN-Index sẽ giao động trong vùng 1.230-1.250 điểm trước khi tăng trở lại. Nhà đầu tư cần cân nhắc nắm giữ vị thế hoặc tận dụng các nhịp điều chỉnh trong phiên để tham gia, hạn chế mua đuổi nếu dòng tiền vẫn được duy trì tích cực ở vùng hỗ trợ”, ông Thanh khuyến nghị.

Bình luận về hiện tượng thanh khoản thị trường liên tục lập những kỷ lục mới, hơn 1 tỷ USD giao dịch thông qua HoSE mỗi phiên trong hai phiên gần đây, chuyên gia phân tích chứng khoán Chu Hà Thanh, Công ty CP CHứng khoán BOS cho biết, kể từ đầu tuần mới, với những thông tin tích cực từ HoSE đã khiến thị trường có những phiên giao dịch đầy hưng phấn với sự bùng nổ về thanh khoản.

Trong phiên giao dịch ngày thứ 2 (12/4), tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh tại HOSE đã bứt phá tới 30% lên 830,8 triệu cổ phiếu cùng với đó là tổng giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 19.875 tỷ đồng, tăng 41,3% so với phiên trước đó.

Sự hưng phấn đó còn nối dài sang phiên hôm nay (13/4) với tổng giá trị giao dịch khớp lệnh lên tới 20.422 tỷ đồng, tiếp tục tăng 2,8% so với phiên thứ 2 cùng tổng khối lượng đạt tới 978 triệu cổ phiếu.

Như vậy, riêng với HoSE, tổng giá trị giao dịch bao gồm cả khớp lệnh và thỏa thuận trong phiên ngày 13/4 đã đạt tới 23.470 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), một giá trị kỷ lục. Điều này cho thấy sự hưng phấn của nhà đầu tư trên thị trường cũng như sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán.

“Với ưu thế về khả năng sinh lời và tính linh hoạt cùng sự bứt phá trong năm 2020 khiến thị trường chứng khoán đang rất hấp dẫn với nhà đầu tư”, ông Thanh nhìn nhận và cho rằng, hiện tượng nghẽn lệnh trước đây đã ảnh hưởng khá lớn dến sức mạnh của thị trường. Theo ước tính của nhiều chuyên gia trong ngành thì sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới thì thanh khoản của HoSE có thể tăng 25%. Như vậy, cho thấy nhà đầu tư vẫn đang giao dịch hết khả năng xử lý của thị trường sau khi được nâng cấp. Như vậy, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ tiếp tục cao hơn nữa nếu khả năng tải của hệ thống được gia tăng nhờ sự hưng phấn của nhà đầu tư cùng dòng tiền mạnh mẽ trên thị trường.

Bên cạnh đó, ngoài HoSE, thanh khoản của HNX cũng đạt mức rất cao với tổng giá trị giao dịch trong phiên 13/4 đạt tới 4.036 tỷ đồng, cao hơn khá nhiều mức trung bình kể từ đầu năm là 2.425 tỷ đồng/phiên. Bình luận về mức tăng gần gấp đôi của thanh khoản trên HNX, ông Thanh cho rằng, bên cạnh dòng tiền hưng phấn thì sự chuyển niêm yết một số cổ phiếu từ HoSE sang HNX cũng đem tới hiệu ứng tích cực với thanh khoản của HNX. Cụ thể, trong phiên 13/4 thì bên cạnh các cái tên quen thuộc trong top thanh khoản của HNX như SHB, SHS, HUT, PVS… cũng đã xuất hiện cổ phiếu VND là cổ phiếu được chuyển sàn từ HoSE sang HNX.

Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email