Categories Bất động sản

Vì sao giá nhà đất vẫn ở mức cao?

Dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề chịu thiệt hại, tuy nhiên thị trường bất động sản thì ngược lại.

Cần tập trung đẩy mạnh việc phát triển nhà ở giá thấp

Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức, có thể kể đến như nhà đầu tư và người mua đang dần thay đổi lối sống, tiêu dùng, khẩu vị đầu tư, khung pháp lý cho bất động sản vẫn rất chậm thay đổi… nhưng giá nhà đất vẫn ở mức cao!

Nhiều ý kiến cho rằng, cho dù ở một số nơi, giá nhà có “hạ nhiệt” so với trước thì cũng vẫn chưa về với giá trị thực. Khảo sát thực tiễn cho thấy, hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản đã có động thái giảm giá cho khách hàng, hoặc đưa ra những chương trình khuyến mãi, chiết khấu giá nhà ở, căn hộ.

Những tập đoàn bất động sản lớn như Vingroup hay Sungroup đều có những động thái chiết khấu cho khách hàng khi giảm giá từ 5-10%, hoặc quy ra những gói nội thất với giá hợp lý nhằm kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu so với mức thu nhập bình quân hiện nay của phần lớn người dân, giá nhà đất đều vẫn ở mức khá cao.

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng vừa công bố mới đây, khẳng định mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra những khó khăn cho thị trường bất động sản nhưng giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Cho dù số lượng dự án nhà ở được cấp phép trong quý II đã tăng mạnh so với quý I. Cả nước có 325 dự án với 70.317 căn hộ được cấp phép; 73 dự án với 8.901 căn hộ hoàn thành; 1.425 dự án với 246.781 căn hộ đang xây dựng. Cụ thể hơn, trong quý II, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý I. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với quý I/2020. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, mức tăng lần lượt là 0,25% và 0,15%.

Lý giải về điều này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chi phí đầu tư, vốn và các loại chi phí khác vốn đã rất cao khiến chủ đầu tư khó lòng giảm giá bán. Đặt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn nên các loại nguyên vật liệu đầu vào càng thêm đắt đỏ. Có chăng chỉ áp dụng với một số phân khúc ở vùng sâu, vùng xa giảm nhẹ bằng hình thức khuyến mãi để hút khách…

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh vào hiện tượng khan hiếm dự án, sản phẩm, trong khi tổng cầu có khả năng thanh toán rất lớn. Tất cả các dự án nhà ở từ cao cấp đến bình dân khi đưa ra thị trường đạt tỷ lệ hấp thụ rất cao, đến 99 – 100% ở phân khúc nhà ở xã hội. Với phân khúc nhà ở thương mại trị giá từ 2 tỷ đồng trở xuống có tỷ lệ tiêu thụ 100%, còn nhà ở cao cấp cũng đạt 70 – 80%…

Ở chiều ngược lại, việc nguồn cung hạn chế có thể trở thành một trong nhiều tác nhân đẩy giá nhà đất tăng thêm, dự báo tình hình nguồn cung khan hiếm sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa do những vướng mắc về pháp lý, trong khi nguồn cầu đang rất lớn.

Giới chuyên gia nhận định đây là thời điểm tốt cho người mua nhà, nhà đầu tư bất động sản có kinh nghiệm, có tầm nhìn cộng với nguồn lực tài chính mạnh tìm kiếm cơ hội qua việc tận dụng tốt các ưu đãi kích cầu từ chủ đầu tư. Thêm nữa, hiện lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp khoảng 10%-12%/năm tạo lợi thế giúp người vay mua nhà để ở.

Để hóa giải thực trạng này, nhà quản lý cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, đồng thời có chính sách khuyến khích, ưu tiên, ưu đãi cho các dự án căn hộ có mức giá trung bình tầm 18 – 20 triệu đồng/m2 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Với doanh nghiệp đây là thời khắc khó khăn đồng thời là thời điểm thích hợp để rà soát lại các dự án và triển khai các kế hoạch dài hơi hơn, lựa chọn kênh đầu tư phù hợp. Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội khuyến nghị, doanh nghiệp cần quan tâm hàng đầu đến yếu tố pháp lý không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn bất khả kháng như đại dịch và phát triển bền vững, mà sẽ hỗ trợ cho tính thanh khoản của sản phẩm, quá trình đầu tư.

Yếu tố chiến lược cũng phải tính đến để đưa ra những dòng sản phẩm phù hợp kinh doanh vào thời điểm hiện tại trên cơ sở rà soát lại các đối tượng khách hàng, các phân khúc ở từng địa bàn mà doanh nghiệp có thể khai thác. Xu hướng các chủ đầu tư hiện nay hướng đến đầu tư vào bất động sản đô thị có khung pháp lý tốt ở nhiều tỉnh, thành phố. Những dòng sản phẩm này sẽ hướng nhiều đến thu hút khách hàng tại địa phương, sau đó là khách từ các địa phương lân cận, đồng thời sẽ gia tăng và mở rộng đối tượng khách hàng mục tiêu nếu có chất lượng cạnh tranh tương đồng với các sản phẩm ở đô thị lớn.

Ngoài ra, việc hoàn thiện hóa hệ sinh thái của dự án rất cần được coi trọng như phát triển thêm các dòng sản phẩm, tiện ích mới, những sản phẩm tích hợp các yếu tố chăm sóc sức khỏe, đảm bảo tính an toàn, hoặc có nguồn cầu lớn mà chưa được thử nghiệm khai thác, như sản phẩm chăm sóc người già kết hợp nghỉ dưỡng.

Dịch Covid-19 làm cho tiến trình triển khai các dự án chậm lại nhưng cũng là dịp để các chủ đầu tư xem xét việc phát triển áp dụng công nghệ 4.0 vào hỗ trợ bán sản phẩm, quản lý vận hành bất động sản… Các chủ đầu tư lớn có điều kiện, chi phí đầu tư nhiều, làm ra các sản phẩm bài bản, sẽ tạo được sự khác biệt trong tương lai. Các chủ đầu tư ở quy mô và năng lực vừa phải hơn, nên tính đến việc tích hợp công nghệ 4.0 ở mức có thể, bà Hằng cho biết thêm.

Theo Như Trang/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email