Vấn nạn vẽ giả tranh của các danh họa để thu lợi khủng

Gần đây, giới mỹ thuật xôn xao vì có nhiều bức tranh của các họa sĩ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương bị dính nghi án tranh giả. Trong khi một số họa sĩ trong nước đã lên tiếng cảnh tỉnh về nguồn gốc không rõ của không ít bức tranh của các danh họa, thì sàn đấu giá Sotheby’s Hong Kong phiên ngày 6/10 vẫn đưa lên sàn giao dịch một loạt tranh “mập mờ” đánh lận con đen này.

Tranh giả và lợi nhuận khủng

Như mọi năm, có nhiều tranh của các danh họa Việt Nam được bán ở phiên đấu giá của Sotheby’s Hong Kong.  Mặc dù có một nghịch lý là xuất hiện hàng loạt tranh quý hiếm của các họa sĩ nổi tiếng như Lê Phổ, Nam Sơn, Nguyễn Sáng, Nguyễn Gia Trí… với nét vẽ khá… lạ, có nhiều điểm nghi vấn và những cái sai… ấu trĩ, non nghề, nhưng giá những bức tranh này vẫn cao ngất ngưởng và nhiều người sung sướng đưa về bộ sưu tập của mình.

Một điểm khả nghi khác là không ít bức vẽ thời xa xưa mà trông như mới, trong khi các bản gốc nằm ở một số bảo tàng trong nước lại bị xuống cấp, có khi phải cất kho vì sợ trưng bày sẽ càng chóng hỏng. Hơn nữa, giá tranh của các danh họa Việt thường rất cao, song lại có những bức dính nghi án tranh giả có mức giá không quá cao.

Bức tranh có chữ ký của danh họa Nguyễn Sáng bị nghi là tranh giả vì nét vẽ non nghề.

Tuy nhiên, năm nay lại khác. Sau khi dư luận trong nước lên tiếng mạnh mẽ về việc nhiều tranh của các danh họa thời Mỹ thuật Đông Dương bị làm giả, mang bán ở các sàn đấu giá quốc tế, đã có phản hồi tích cực từ thị trường nước ngoài. Cụ thể, tại phiên đấu giá “Modern & Contemporary Southeast Asian Art” trên sàn đấu giá Sotheby’s Hong Kong trong 2 ngày 5-6/10, trong số 7 bức tranh bị các họa sĩ và nhà nghiên cứu tố giác nghi án tranh giả, có 3 bức được bán ra, 2 bức đã phải hạ xuống, và 2 bức lên sàn nhưng không giao dịch được.

Đặc biệt, bức tranh sơn mài “Dân quê Việt” của Nguyễn Sáng bị nghi là tranh nhái không giao dịch thành công.

Tối 5/10, tác phẩm sơn mài “Tranh phong cảnh” đề tên danh họa Nguyễn Gia Trí có mức giá đề xuất cao ngất ngưởng, từ 1.200.000 đến 1.800.000 HKD (tương đương 152.940 đến 229.410 USD) cũng đã giao dịch không thành công.

Riêng bức “Mẫu tử” của Lê Phổ, dù đã được các họa sĩ trong nước như Thành Chương, Nguyễn Đình Đăng và nhà nghiên cứu Phạm Long chỉ rõ chi tiết bàn tay em bé có hai ngón cái sai về giải phẫu học nhưng vẫn bán ra trót lọt, với giá 35.049 USD.

Bức tranh ký tên Lê Phổ gây nhiều tranh cãi, vẫn có người mua với giá khủng.

Hai bức tranh “Phong cảnh Huế” và “Chùa Một Cột” của họa sĩ Nam Sơn mà nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi là đại diện cho gia đình từng tố giác nghi là giả vẫn được bán ra thành công. Dẫu vậy thì mức giá bán ra của hai bức tranh này thấp so với giá trị tranh của Nam Sơn.

2 bức phải hạ xuống khỏi trang web là bức “Lá thư” đề tên Tô Ngọc Vân và bức “Hai cô gái trước bình phong” đề tên Trần Văn Cẩn, sau khi dư luận trong nước cảnh tỉnh khả năng làm giả khá cao.  Đây là hai tác phẩm mà bản gốc đang được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Đây không phải lần đầu những tranh giả, tranh nhái tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng thời mỹ thuật Đông Dương bị đưa lên các sàn đấu giá quốc tế để kiếm lời. Tuy nhiên, điều đáng mừng là nhà Sotheby’s đã ghi nhận những ý kiến của các nhà mỹ thuật Việt Nam.

Tranh “Hai cô gái trước bình phong” của Trần Văn Cẩn ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Và tranh Trần Văn Cẩn trên trang web đã bị gỡ xuống.

Cũng thời điểm này năm ngoái, bức “Đời sống gia đình” của họa sĩ Lê Phổ dù bị nghi ngờ là tranh giả vẫn được Sotheby’s Hong Kong bán hơn 1 triệu USD.

Thiếu chuyên gia nội địa uy tín

Theo nhà nghiên cứu hội họa Lý Đợi, các nhà đấu giá, suy cho cùng cũng chỉ là các đơn vị bán hàng, nơi các tác phẩm được xem là “lô hàng” (lot), vậy thì bán càng nhiều, giá càng cao càng tốt. Chắc chắn họ cũng cầu mong việc buôn bán được may mắn để có uy tín. Nhưng chẳng có sàn đấu nào may mắn mãi mãi, nên sai sót và tai nạn vẫn diễn ra thường xuyên. Vậy nên nhà nào ít sai sót thì sẽ uy tín hơn.

“Vì sao lại xảy ra sai sót? Thường có 3 lý do chính: Một là họ không đủ chuyên gia; Hai là chuyên gia lừa họ; Ba là họ cố tình vì lợi nhuận mà lừa khách hàng. Vì sao tranh VN giả nhiều? Trong vô số lý do đã đưa ra như định chế nhiều lỗ hổng, gian thương khuynh loát, thì vấn đề thiếu chuyên gia nội địa đủ uy tín quốc tế là quan trọng nhất. Chúng ta chẳng có đủ chuyên gia uy tín để quốc tế nhờ cậy. Nên các nhà đấu giá chỉ trông chờ vào các chuyên gia nước ngoài, thì làm sao sâu sát được.

Còn với câu hỏi ‘Tại sao làm tranh giả’, thì câu trả lời hiện nay là chỉ có ngu mới không làm tranh giả. Vì làm tranh giả quá ngon, mà lại khá an toàn. Chế tài luật pháp lỏng lẻo, về khía cạnh đạo đức cũng chẳng ai lên án. Một điều quan trọng nữa: Những người mới phất, mới bước chân vào chơi tranh thường quá tự tin và cũng không tiếc tiền, lại ít chịu dùng cố vấn uy tín, nên như nai tơ. Khía cạnh tích cực của tranh giả, đồ giả chính là chứng tỏ đồ thật có giá trị và quý hiếm thì người ta mới làm đồ giả, đồ nhái”, nhà nghiên cứu Lý Đợi phân tích.

Trước thực trạng tranh giả khuynh loát thị trường mỹ thuật, cần có hội đồng thẩm định tranh trong nước bao gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu có uy tín, để khi cần, họ có thể đưa ra những bằng chứng và phân tích thiết thực, xác đáng, để tránh tình trạng lợi dụng tranh giả kiếm tiền “khủng” của một nhóm người làm ô danh nền mỹ thuật Việt.

Theo Minh Thi/Dân Việt