Du lịch đang là một trong những ngành được giao nhiệm vụ đi tiên phong trong việc chuyển đổi số và đã chủ động tiếp cận và tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0.
Đơn cử như việc nhiều điểm tham quan trong nước đã ứng dụng công nghệ số hỗ trợ việc thuyết minh tự động thông qua quét mã QR, như: Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội); Dinh Độc Lập (TP. Hồ Chí Minh); Đại Nội, lăng Vua Tự Đức, lăng Vua Khải Định và chùa Thiên Mụ (Khu di sản cố đô Huế); Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thanh Hóa)… TPHCM cũng đã triển khai ứng dụng mã QR với hệ thống 25 bảo tàng, nhận được sự đánh giá rất tốt từ du khách qua trải nghiệm tương tác.
Ứng dụng quét mã QR tại một số di tích được coi là sự sáng tạo trong công tác quảng bá điểm đến, mang lại hiệu quả thiết thực đối với du khách. Thay vì cần đi theo đoàn và liên hệ trước để có hướng dẫn viên phục vụ khi tham quan điểm đến như trước, ứng dụng quét mã QR cho phép du khách tiếp nhận thuyết minh tự động, hoặc được nắm thông tin một cách đầy đủ nhất, tiện lợi nhất và bảo đảm tính chính xác về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc…
Mới đây, Tổng cục Du lịch chính thức ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, hoạt động trên cả hệ điều hành iOS và Android. Bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” tích hợp đầy đủ các tính năng giúp du khách có thể yên tâm du lịch tại Việt Nam. Bản đồ số giúp du khách tìm hiểu các đơn vị đã đăng ký tiêu chuẩn an toàn với cơ quan quản lý nhà nước, gồm các loại hình khách sạn, nhà hàng, căn hộ du lịch, các khu vui chơi, dịch vụ vận tải, bệnh viện, nhà thuốc…
Có thể thấy, du lịch thông minh góp phần nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá thông qua đẩy mạnh marketing du lịch số; tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách du lịch tại điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển điểm đến; thay đổi phương thức, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch thông qua phát triển các ứng dụng quản lý điểm đến du lịch, các doanh nghiệp, hoạt động lữ hành và cơ sở lưu trú…
Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ xây dựng chính sách có tính đột phá trong phát triển du lịch thông minh, du lịch số, kiến nghị với các bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai các chính sách, đáp ứng yêu cầu đồng bộ để phát triển du lịch thông minh, du lịch số trên phạm vi cả nước. Trước mắt ưu tiên phát triển du lịch thông minh ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và TP. Huế.
Đồng thời sẽ xây dựng và triển khai đề án phát triển du lịch số, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và đến năm 2045 thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch số. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu như: Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu số du lịch Việt Nam; ứng dụng công nghệ CMCN 4.0 nâng cao trải nghiệm của khách du lịch; nâng cấp các kênh truyền thông trên nền tảng số của Tổng cục Du lịch; xây dựng phần mềm (app) sử dụng phục vụ tổ chức hội nghị trực tuyến; phát triển các nền tảng số kết nối liên thông hệ thống thông tin phục vụ điều hành, quản lý nhà nước về du lịch đến các địa phương, doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, với tinh thần chủ động tiếp cận CMCN 4.0, Tổng cục Du lịch đã tập trung tạo dựng nền tảng cho chuyển đổi số trong ngành. Đến nay đã hình thành cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch và hệ thống dữ liệu thống kê du lịch. Phối hợp với các bên liên quan phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý từ Trung ương đến cơ sở và các ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ khách du lịch…