“Ông chủ” Tập đoàn Masan cho rằng, chống Covid-19 như đá một trận bóng với nhiều thử thách. Tỷ phú này đã “hiến kế” nhiều giải pháp trong mùa dịch.
Khủng hoảng là động lực kích hoạt thay đổi
Ngày 12/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân nhằm huy động hiến kế sáng tạo, chủ động và đóng góp cho kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu.
Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan đã nêu lên nhiều ý kiến gây chú ý. Ông ví von việc chống dịch Covid-19 như một đội bóng thi đấu trận cầu quan trọng. Trong đó, Thủ tướng là huấn luyện viên trưởng, các Bộ trưởng là đội trưởng còn còn các doanh nghiệp, người dân và những người còn lại là các cầu thủ. Trận đấu bắt đầu thì trời mưa to và các cầu thủ phải vượt qua những khó khăn, nỗi sợ hãi để làm chủ trận đấu.
“Nếu chúng ta sợ thua, rút hết về phòng ngự để không thủng lưới thì chúng ta không thắng. Vì vậy, muốn chiến thắng được trận bóng này, chúng ta phải tính toán, vừa phòng thủ thật chặt, hàng công cũng sẵn sàng. Chúng ta phải nghĩ đến thiệt mình thiệt người, cân nhắc lợi mình lợi người. Tôi luôn nghĩ “trong nguy có cơ”, ông Nguyễn Đăng Quang nói.
Theo ông Quang, ưu tiên số một hiện nay cho việc chống dịch chính là ổn định tâm lý, ổn định xã hội, ổn định an sinh xã hội.
Ông Quang lấy ví dụ, ngày hôm qua, khi mọi người đều lo sợ dịch bệnh thì ông Trương Công Thắng, TGĐ VinCommerce đã xuống cửa hàng VinMart+ và bán hàng cùng nhân viên. Kết quả là cửa hàng đã có doanh số tăng hơn nhiều và tinh thần của nhân viên cũng phấn chấn hơn. Nhân viên thay vì lo sợ, báo ốm, ở nhà không đi làm thì tất cả đã đến cửa hàng làm việc đầy đủ.
“Từ góc nhìn của một đội bóng chúng ta có thể thấy, đầu tiên chúng ta nghĩ đến thủ chắc nhưng vẫn phải có hàng công sắc bén để luôn sẵn sàng với các tình huống”, ông Quang chia sẻ.
Theo ông Quang, về vấn đề an sinh xã hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã có chỉ đạo rất sát sao về việc phải có đủ gạo, đủ thịt cho nhân dân. Đến hôm nay, tại hệ thống hơn 3.200 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+ đã có đầy đủ gạo, thịt bình ồn giá ở 63 tỉnh thành. Các sản phẩm thiết yếu như mì, rau, trứng, sữa…luôn đầy đủ, chất lượng, đảm bảo giá cả hợp lý.
Cũng theo ông Quang, trên thực tế, người Việt vẫn thích đến tận siêu thị hay cửa hàng để chạm tay vào hàng hóa. Nhưng đến nay, người dân đã sợ đến nơi đông người. Đây chính là cơ hội của bán hàng online. Chính vì vậy, các siêu thị sẽ giao hàng đến nhà cho người dân. Khủng hoảng luôn là động lực để kích hoạt sự thay đổi, giúp xã hội phát triển mạnh mẽ hơn.
“Bán hàng online là xu thế tất yếu của tương lai và tôi tin rằng khủng hoảng do Covid-19 sẽ đẩy xu thế này phát triển nhanh hơn. Các doanh nghiệp về công nghệ nên đi đầu để nhanh chóng đón bắt vấn đề này”, Chủ tịch Tập đoàn Masan nhận định.
Xuất khẩu mạnh thì dân mới có tiền
Theo ông Nguyễn Đăng Quang, ưu tiên thứ hai trong thời buổi hiện nay chính là tích lũy và tăng cường sức dân, sức nước. Khi khó khăn thì nguồn lực phải được tích lũy.
Giai đoạn ngưng trệ kinh tế vừa qua đồng nghĩa với nhiều nguồn lực cũng bị ngưng đọng theo. Và dễ dàng để nhìn thấy vai trò của xuất khẩu vô cùng quan trọng. Những mặt hàng như thanh long, tôm hùm nếu không xuất khẩu được thì cả nước cùng giải cứu cũng không giải quyết được vấn đề.
Tuy nhiên, khi giải quyết được vấn đề xuất khẩu thì tất cả nông dân có tiền, tức là nông dân khỏe hơn, doanh nghiệp có tiền cũng khỏe hơn, người làm có công việc cũng khỏe hơn.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cho rằng, Việt Nam có lợi thế rất lớn về xuất khẩu, muốn phát huy thì rất cần chủ trương của Thủ tướng nhằm tăng cường xuất khẩu, thu hút các nguồn lực quốc tế về Việt Nam. Bởi, “khủng hoảng” mới chỉ bắt đầu với kinh tế toàn cầu. Trong khi, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị “sập” và thiếu hụt ở rất nhiều nơi do hơn 2 tháng qua ngành sản xuất của Trung Quốc bị đình trệ. Đây chính là cơ hội nếu chúng ta làm được, nắm bắt được.
Để làm được điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ để định hướng và tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp kịp thời.
Đây cũng là cơ hội để chiếm lĩnh thị trường khi chuỗi cung ứng đặt ở Trung Quốc bắt đầu có nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Chúng ta cần mở rộng để chuyển dịch, tăng cường, phát triển, đi ra cạnh tranh công bằng với thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang lấy ví dụ, Trung Quốc hiện chiếm 85% trữ lượng Vonfram. Trong 2 tháng dịch bệnh bị phong tỏa, thị trường đứng im thì đây là cơ hội của Masan để đưa Vonfram đi ra toàn cầu. Masan sẽ không chỉ bán Vonfram mà còn đầu tư mua lại các doanh nghiệp chế biến sâu mang tính toàn cầu khác.
“Khủng hoảng đòi hỏi kích hoạt sự thay đổi để mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, quyết liệt hơn. Chúng ta sẽ tận dụng được cơ hội để thành công. Khi đối thủ đang lo che mưa để khỏi ướt thì chúng ta tập trung vào trận đấu, thủ thật chắc và tìm các cơ hội để thành công”, ông Nguyễn Đăng Quang nói.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, WHO đã công bố Covid-19 là đại dịch. Việt Nam có 800.000 doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể. Ngay lúc này, các doanh nghiệp, tập đoàn sẽ là các “pháo đài” cùng cán bộ, công nhân lao động trong phòng chống dịch.
Nhiều doanh nghiệp quy mô hàng ngàn lao động cần có biện pháp chống dịch ở đơn vị mình và cho cả công nhân của mình. Đó chính là góp phần vào nỗ lực chống dịch của cả nước.
Thủ tướng cho rằng, nhiều tập đoàn đã làm tốt công tác này như ứng dụng công nghệ 4.0, giảm họp hành, quan tâm đến đời sống người lao động.
Cuộc gặp gỡ, làm việc hôm nay là để động viên, thăm hỏi đối với các khó khăn của doanh nghiệp cũng như lắng nghe các ý kiến, hiến kế quyết sách nào cho kinh tế tư nhân, động lực quan trọng đối với nền kinh tế. Từ đó, Chính phủ tạo môi trường đầu tư tốt hơn để phát triển, bao gồm cả việc tạo thị trường mới, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, để chính sách của Chính phủ sát với thực tiễn hơn.
Theo Đại Việt/Dân trí
Một số những kiến nghị gửi tới Thủ tướng
“Ông chủ” Tập đoàn Masan kiến nghị, hỗ trợ cho xuất khẩu hàng hóa tạo ra chuỗi cung ứng thu hút nguồn lực từ thế giới, chỉ khi bán được gạo, nông dân mới chuẩn bị được cho mùa vụ mới. Nếu không bán được thì không có nguồn lực.
Ngoài ra, Nghị định 20 về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là nội dung cụ thể, đúng với tinh thần Thủ tướng. Tuy nhiên, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh cho phù hợp cụ thể với từng doanh nghiệp hơn.
Ông Nguyễn Đăng Quang cũng kiến nghị, các doanh nghiệp của Việt Nam cần kết hợp với nhau, cùng định hướng tập trung theo nhóm ngành lớn tạo thành chuỗi liên kết để đảm bảo an sinh xã hội, an toàn, ổn định xã hội. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ “lớn lên” mạnh mẽ trong bối cảnh này.