Theo khảo sát của thoibaonganhang.vn, sáng nay (1/3), trong khi tỷ giá trung tâm tiếp tục giảm nhẹ thì giá mua – bán bạc xanh tại nhiều ngân hàng không đổi so với cuối phiên trước.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.137 đồng, giảm nhẹ 3 đồng so với phiên trước. Như vậy, tỷ giá trung tâm đã có phiên giảm thứ hai liên tiếp với tổng mức giảm là 9 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN trong sáng nay giữ nguyên ở mức 22.550 VND/USD đối với giá mua vào và 23.050 VND/USD với giá bán ra.
Sáng nay, giá mua – bán bạc xanh tại nhiều ngân hàng không đổi so với cuối phiên trước.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua thấp nhất đang ở mức 22.640 VND/USD, giá mua cao nhất đang ở mức 22.730 VND/USD. Trong khi đó ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất đang ở mức 22.900 VND/USD, giá bán cao nhất đang ở mức 23.065 VND/USD.
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), cập nhật đến đầu giờ sáng nay theo giờ Việt Nam ở mức 96,830 điểm, tăng 0,083 điểm (+0,09%) so với thời điểm mở cửa.
Bạc xanh tăng nhẹ trong khi đồng rúp Nga ổn định lại sau phiên rơi xuống mức thấp nhất mọi thời đại, đồng thời các đồng tiền trú ẩn an toàn khác như yên Nhật và franc Thụy Sĩ ổn định sau đợt tăng mạnh nhất trong gần bảy tuần, trong bối cảnh các nhà đầu tư tập trung vào cuộc khủng hoảng đang gia tăng ở Ukraine.
Sự bình tĩnh trở lại trên thị trường tiền tệ sau khi các quan chức Nga và Ukraine tổ chức vòng đàm phán ngừng bắn đầu tiên, bốn ngày sau khi Nga tấn công nước láng giềng.
Sáng nay, euro giảm 0,12% và giao dịch ở 1,1205 USD, trong phiên trước có lúc tỷ giá EUR/USD đã chạm mức thấp 1,11210 USD.
Đô la Úc – đồng tiền nhạy cảm với rủi ro – sáng nay đi ngang ở 0,7262 USD, gần mức cao nhất trong khoảng một tuần, phục hồi từ mức giảm 1,2% trong phiên trước.
Ngân hàng Trung ương Úc sẽ công bố chính sách tiền tệ vào cuối ngày với nhiều người dự đoán sẽ giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục.
Đồng rúp bắt đầu tuần trong bối cảnh khó khăn, giảm tới 30% xuống mức kỷ lục 120 RUS/USD sau khi các nước phương Tây và đồng minh trừng phạt Nga bằng các lệnh trừng phạt mới, bao gồm loại bỏ một số ngân hàng lớn của Nga khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT. Đồng tiền này đã phục hồi phần nào sau đợt tăng lãi suất khẩn cấp và các biện pháp mạnh tay khác được ngân hàng trung ương Nga thông qua.
Sáng nay, yên Nhật giảm 0,16% xuống 115,18 JPY/USD, sau khi tăng 0,48% vào thứ Hai. Đồng tiền trú ẩn an toàn khác là franc Thụy Sĩ sáng nay giảm 0,24% xuống 0,91775 USD sau khi tăng 0,95% trước đó.
“Tin tức từ Ukraine vẫn ảm đạm, với các cuộc đàm phán Nga – Ukraine tiếp tục được nối lại nhưng chưa có giải pháp nào được đưa ra”, Rodrigo Catril, chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại Ngân hàng Quốc gia Australia viết trong một bản tin và thêm rằng: “Các cuộc giao tranh diễn ra dữ dội khi phương Tây tìm cách tăng cường nỗ lực cô lập Nga”.
“Sự bất ổn sẽ khiến giá các đồng tiền trú ẩn an toàn và đồng euro chịu áp lực, trong khi đô la Úc vẫn giữ nguyên do giá hàng hóa cao hơn và khoảng cách địa lý khá xa của Australia với khu vực xung đột”, vị chiến lược gia nhận định.
Việc thị trường đang định giá lại bạc xanh khiến lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất gần một tháng ngay cả khi Fed chắc chắn sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tháng Ba.
Tuy nhiên, theo công cụ Fedwatch của CME, cuộc khủng hoảng Ukraine đã thúc đẩy các nhà giao dịch đặt cược cho đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào ngày 16/3, với xác suất tăng lên 8,5%.
Chủ tịch Fed Atlanta, Raphael Bostic hôm thứ Hai cho biết ông không loại trừ một động thái tăng lãi suất 50 điểm cơ bản.
“Xu hướng ngắn hạn của USD bị chi phối bởi diễn biến chiến tranh, trong khi xu hướng trung hạn của USD sẽ được xác định bởi dữ liệu kinh tế”, ông nói thêm.
Theo P.L/Thời báo Ngân hàng