Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học mở thêm một số ngành học mới nhằm tăng cơ hội chọn ngành nghề cho thí sinh; đồng thời đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội được dự báo tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng nhiều trong thời gian tới.
Tại trường Đại học Giao thông Vận tải, năm nay, dự kiến mở thêm 2 ngành học mới, nâng tổng số ngành đào tạo lên 26 ngành. Đó là ngành tài chính ngân hàng và ngành Quản trị kinh doanh Việt – Anh. PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, hai ngành học mới này nhà trường căn cứ vào số thí sinh đăng ký học năm trước và qua phân tích đánh giá thị trường lao động lĩnh vực ngân hàng cần trong tương lai.
“Năm ngoái, điểm của ngành quản trị kinh doanh của chúng tôi cũng đứng thứ hai trong các ngành kinh tế sau quản trị chuỗi Logictic và chuỗi cung ứng. Ngành có tỷ lệ thí sinh đăng ký tương đối đông. Thứ hai là ngành tài chính ngân hàng, trong điều kiện hiện nay đang có xu hướng hội nhập cũng như quản lý chung, đối với các ngành quản lý về tài chính và lĩnh vực ngân hàng cũng vẫn đang có nhu cầu lực lượng lao động cơ bản và xã hội đang cần. Hiện nay, qua đánh giá của các doanh nghiệp và cũng như của thị trường lao động, nhất là sau này khi chuyển đổi cơ chế tài chính ngân hàng, các lĩnh vực ngân hàng di động lực lượng về tài chính ngân hàng xã hội cũng sẽ vẫn đang cần”, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương thông tin.
Bên cạnh việc mở thêm nhiều ngành học mới, một số khoa của các trường đại học cũng mở bổ sung một số chuyên ngành hẹp có nhu cầu lao động cao khi khảo sát từ các doanh nghiệp. Cụ thể như Khoa quốc tế, Trường đại học quốc gia Hà Nội, dự kiến mở thêm ngành Cử nhân Ngôn ngữ Anh, chuyên sâu về Kinh doanh và công nghệ thông tin, với khoảng 80 chỉ tiêu.
Ông Nguyễn Trung Hiển, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên Khoa quốc tế cho biết: “Chúng tôi đang đề xuất với Đại học quốc gia. Tuy nhiên, mức chỉ tiêu này còn phải đợi Đại học quốc gia Hà Nội phê duyệt. Lý do, bởi vì qua làm việc với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài hay xuất khẩu phần mềm thấy một sự khan hiếm và khó khăn về tuyển dụng nhân sự chất lượng cao hiểu biết về công nghệ thông tin mà lại có nền tảng tiếng Anh tốt. Một dạng như kỹ sư cầu nối. Hiện nay nhân sự đó đang rất khan hiếm. Vì vậy, chúng tôi cũng quyết định xây dựng một chương trình để đáp ứng được nhu cầu về nhân sự như vậy”.
Hiện, các trường đại học cũng đã công bố các phương thức tuyển sinh như: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; học bạ; kết quả thi đánh giá năng lực; điểm học bạ kết hợp thi tuyển năng khiếu (với các ngành năng khiếu) và các phương thức kết hợp khác. Trong đó, trường có ít phương thức tuyển sinh nhất là 2 và nhiều nhất là 6 phương thức.
Theo ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 và Nghị định 99 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã tạo cơ chế mở rộng quyền tự chủ cho các trường như: Được tự chủ trong việc mở ngành, sử dụng phương thức xét tuyển phù hợp với điều kiện của trường… Tuy nhiên, dù hình thức nào, tự chủ đến đâu, các trường cần lưu ý phải đảm bảo chất lượng trong công tác tuyển sinh. Các trường có thể tổ chức thi tuyển riêng nhưng phải tuân thủ đúng các quy định điều kiện trong quy chế tuyển sinh tại Điều 12.
“Chúng tôi lưu ý các điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác để chuẩn bị cho kỳ thi riêng như cán bộ ra đề thi, cán bộ coi thi và thực hiện công tác tổ chức thi. Các trường phải có quy chế do Hội đồng Khoa học tham mưu để trình Hiệu trưởng trường ký ban hành và các điều kiện khác tốt nhất để thực hiện kỳ thi. Và năm 2021, bộ phận thanh tra của Bộ Giáo dục Đào tạo sẽ tăng cường thanh tra đối với các trường tổ chức kỳ thi riêng để việc tổ chức thí điểm các trường vừa tạo thuận lợi cho các trường, tạo thuận lợi hơn cơ hội cho thí sinh và đặc biệt là phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật và đảm bảo chất lượng các kỳ thi đảm bảo công bằng khách quan và tạo cơ hội tốt nhất cho người học”, ông Phạm Như Nghệ chia sẻ.
Cũng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và khai báo dữ liệu Đề án tuyển sinh vào Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ trước ngày 31/3 để thí sinh có thêm thông tin và xã hội thực hiện việc giám sát./.