Từ vụ mạo danh vùng trồng xoài, giật mình với tình trạng gian lận xuất xứ hàng nông sản

Gian lận mã số vùng trồng với xoài Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đang là vấn đề nóng, gây bức xúc dư luận thời gian qua. Tuy nhiên, nếu điểm lại kỹ, có thể thấy sự gian lận này không hiếm trong các ngành hàng nông sản thời gian gần đây.

XC
Xoài Cao Lãnh bị gian lận mã số vùng trồng. Ảnh VGP

Vấn đề đặt ra là ngành chức năng đã thực sự quan tâm kiểm soát để tránh tình trạng gian lận xuất xứ với các mặt hàng nông sản hay chỉ là… “nước đến chân mới nhảy?”.

Gian lận xuất xứ… không hiếm?

Bàn về câu chuyện 2 mã số vùng trồng và 1 cơ sở đóng gói xoài (hai mã số vùng trồng của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương và mã nhà đóng gói của công ty TNHH Kim Nhung) của vùng trồng xoài Cao Lãnh vừa qua nằm trong danh sách bị cơ quan chức năng của Trung Quốc gạch tên ra khỏi danh sách mã số đăng ký xuất khẩu vào nước này, một đại diện của Cục Trồng trọt, thở dài: “Chuyện này không mới, đó là một nhức nhối lâu nay mà ngành nông nghiệp đang rất đau đầu trong việc quản lý. Đó không còn là sự gian lận ngang nhiên của các cơ sở, doanh nghiệp; mà còn có sự thờ ơ trong quản lý của địa phương, của chính người nông dân trong việc bảo hộ thương hiệu nông sản của mình; quan trọng nhất còn có sự dễ dãi của chính người tiêu dùng… đã tiếp tay cho tình trạng này”.

Dẫn chứng, vị này nói, khi gạo ST25 của TS Hồ Quang Cua đạt giải gạo ngon nhất thế giới, thậm chí khi ông Cua chưa về tới Việt Nam sau cuộc thi thì gạo ST25 của ông này đã xuất hiện tràn lan trên thị trường, mỗi nơi một giá, một mẫu mã bao bì khác nhau… dù sản lượng loại gạo này theo chính lời của TS Hồ Quang Cua thì …“sản lượng sản xuất chưa được nhiều”.

Không chỉ gạo, nhiều mặt hàng nông sản khác cũng bị gian lận xuất xứ từ rất lâu nay. Ông Nguyễn Văn Thực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cũng cho biết, thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp “ăn cắp” thương hiệu xoài cát Hòa Lộc của Hợp tác xã để xuất khẩu. Phía Hợp tác xã và nhà vườn rất bức xúc nhưng đủ khả năng để “kiện” đòi lại sự công bằng cho loại trái cây đặc sản này.

“Bị mạo danh chúng tôi rất bức xúc, nhưng giờ đi kiện thì thủ tục rất nhiêu khê, rồi chi phí không có, lấy tiền đâu mà đi kiện”, ông Thực chia sẻ.

Trở lại câu chuyện về gian lận xuất xứ vùng trồng xoài Cao Lãnh mới đây, tuy mới chỉ có số ít cơ sở này bị nhận “thẻ đỏ” từ phía Trung Quốc, tức là xoài từ các cơ sở khác đã có mã số vùng trồng và được đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc, vẫn tiếp tục được xuất sang nước này, nhưng vụ việc nói trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của sản phẩm xoài nói riêng, rau quả Việt Nam nói chung, nhất là khi Trung Quốc cũng như các nước khác đang ngày càng siết chặt hơn về tiêu chuẩn đối với rau quả, nông sản nhập khẩu.

Vấn đề đáng nói là cơ quan quản lý ở đâu khi tình trạng gian lận xuất xứ vẫn tràn lan? Tại Đồng Tháp, khi vụ việc xảy ra, tỉnh này đã yêu cầu điều tra rõ ràng nguyên nhân và phối hợp các ngành để làm rõ lô hàng có xuất xứ từ đâu. Doanh nghiệp nào đang thực hiện hành vi giả mạo để chế tài tạo tính răn đe vì nó ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, sản xuất của nông dân. Nhưng rõ ràng, việc quản lý mã vùng trồng ở địa phương này vẫn đang rất lỏng lẻo.

Tương tự, tại Tiền Giang, dù việc xoài cát Hòa Lộc bị mạo danh từ lâu nay nhưng khi được hỏi về vấn đề này, ông Võ Văn Men, Chi Cục trưởng, Chi cục Bảo vệ thực vật Tiền Giang cho biết, trên địa bàn chưa có thông tin về trường hợp “tranh chấp” mã vùng khi xuất khẩu trái cây nói chung và trái xoài nói riêng. Tuy nhiên, đơn vị sẽ phối hợp và đề xuất về Cục Bảo vệ Thực vật đề có biện pháp chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý về lĩnh vực này…

Một cách tổng quan, việc xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc thường không đòi hỏi khắt khe như thị trường châu Âu, Mỹ và các thị trường khác. Đơn cử như trong vụ mạo nhận xuất xứ vùng trồng xoài Cao Lãnh vừa qua, nếu như các thị trường khác, trước khi thông quan nông sản sẽ được kiểm tra lại doanh nghiệp có mua hàng tại vùng trồng đã được khai báo để bảo đảm tính chính xác, thì thủ tục này chưa được áp dụng khi hàng xuất sang Trung Quốc. Đây có thể là lỗ hổng cần khắc phục trong thời gian tới.

Chưa kể, hiện thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đạt gần 10.000 USD/người/năm. Vì vậy, yêu cầu lựa chọn thực phẩm của người dân tại đây không còn đơn giản và dễ dàng như trước đây. Điều này nói lên nguồn thực phẩm nhập vào thị trường Trung Quốc sẽ phải đảm bảo được truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Phải cẩn trọng vấn đề xuất xứ trong xuất khẩu gạo theo EVFTA

Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (Hiệp định EVFTA), mỗi năm, Việt Nam được xuất khẩu sang EU 80 ngàn tấn gạo theo hạn ngạch thuế quan (được ưu đãi thuế), trong đó có 30 ngàn tấn gạo thơm. Riêng về gạo thơm, phải đúng về chủng loại (Hoa nhài 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài Nguyên Chợ Đào) và phải được sản xuất tại Việt Nam.

Do EU là thị trường chiến lược, nên việc đảm bảo tuân thủ tốt 2 yêu cầu nói trên của EU để tận dụng được tối đa hạn ngạch với gạo thơm, rất được Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp coi trọng.

Do đó, theo ý kiến của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, việc soạn thảo Nghị định “Quy định chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu” và các phụ lục phải được xây dựng sao cho vừa tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo được sự chặt chẽ để phòng chống nguy cơ gian lận về chủng loại gạo, về xuất xứ theo đúng yêu cầu của EU.

Giải pháp nào?

Hiện tại, rất nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như: Thanh long, dưa hấu, xoài, thuỷ sản… đang được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với số lượng lớn. Tuy nhiên, trong những năm trước đây, bên cạnh hàng hóa đi bằng đường chính ngạch, được kiểm soát chặt chẽ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc… vẫn còn những chuyến hàng đi bằng đường tiểu ngạch. Điều này dẫn đến rủi ro lớn trong sản xuất và tiêu thụ. Về vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit chia sẻ, xuất khẩu nông sản chính ngạch và có truy xuất nguồn gốc là yêu cầu tất yếu để khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam.

“Vì thế, các doanh nghiệp Việt nên thâm nhập thị trường thông qua kênh cửa hàng, siêu thị, không nên mua đứt bán đoạn hay qua trung gian. Sau khi thành công ở kênh này, nên tiếp tục bán hàng online qua các kênh Taobao, Alibaba… Bằng cách làm này, hiện nay, Công ty Vinamit đã phủ sóng với hơn 10.000 siêu thị, các kênh thương mại điện tử và 50.000 cửa hàng tiện lợi tại Trung Quốc”, ông Viên chia sẻ.

1-4
Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cũng từng bị mạo danh ngay chính tại thị trường trong nước…

Trong khi đó, ở góc độ người trong cuộc bị ảnh hưởng từ vụ gian lận xuất xứ vùng trồng xoài Cao Lãnh, bà Đinh Kim Nhung, Phó giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp, cho rằng, để tránh tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, yêu cầu khi thông quan hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, cần được sự xác nhận từ vùng trồng và đơn vị đăng ký đóng gói sản phẩm mới đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và sự công bằng.

Còn theo ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, nhằm chủ động quản lý mã số vùng trồng và nhà đóng gói trên địa bàn tỉnh, tránh thiệt hại đến uy tín, nhãn hiệu, vùng trồng trong thời gian tới, Sở NN-PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ngành chuyên môn theo dõi, ghi nhận sản lượng trái cây/mã số vùng trồng (tấn/tháng) và bán cho đơn vị thu mua xuất khẩu (nếu thương lái thu gom cho đơn vị xuất khẩu), sản lượng trái cây/nhà đóng gói (tấn/tháng) được thu mua xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.

“Các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các mã số vùng trồng cho HTX, nông dân và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đóng gói, thực hiện tốt các tiêu chí đánh giá theo yêu cầu. Phối hợp với Đoàn thẩm định, kiểm tra cấp mã số vùng trồng, nhà đóng gói trên địa bàn. Tiếp tục hướng dẫn, đăng ký cấp mã số vùng trồng và nhà đóng gói quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính”, ông Đạt, chỉ đạo.

Theo Bá Lâm/Chất lượng&cuộc sống

Print Friendly, PDF & Email