Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) là một cơ hội tốt cho hàng thủy sản Việt Nam gia tăng xuất khẩu và cạnh tranh trên thị trường EU. 212 mặt hàng thủy sản có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó thuế cao từ 6-22% sẽ về 0% kể từ ngày 1/8.
Cụ thể, sẽ xóa bỏ thuế quan ngay 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU; Xóa bỏ thuế quan sau 7 năm là 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Riêng với ngành thủy sản, 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay, 50% còn lại được xóa bỏ theo lộ trình từ 3 – 7 năm. Cá ngừ đóng hộp và cá viên áp dụng hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.
Trong các mặt hàng thủy hải sản xuất sang EU, đáng chú ý một số sản phẩm đang có mức thuế cơ bản khá cao sẽ được giảm ngay về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến…
Cụ thể, tôm hùm từ Việt Nam xuất vào EU hiện phải chịu thuế 8 – 10% thì sau ngày 1.8 sẽ được giảm ngay về còn mức thuế 0%; tôm hùm Na Uy, tôm sú đông lạnh hoặc hun khói, không có vỏ… đang chịu mức thuế nhập khẩu vào EU 20% sẽ giảm về 0%; cá, làm khô, muối hoặc ngâm nước muối; cá hun khói, đã hoặc chưa làm chín trước hoặc trong quá trình hun khói hiện phải chịu thuế nhập khẩu là 13% sẽ về còn 0%…
Đặc biệt, các loại cá ngừ phải chịu thuế nhập khẩu vào EU cao nhất là 22% cũng sẽ được giảm về mức 0% ngày khi EVFTA có hiệu lực.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, EU hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ, với tỷ trọng từ 17 – 18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong đó, xuất khẩu tôm sang EU chiếm 22% thị phần, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30 – 35%…
Theo ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thủy sản Thuận Phước, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Đà Nẵng, với việc EVFTA chính thức có hiệu lực, ngành thủy sản Việt Nam đã có thêm một “sân chơi mới”, doanh nghiệp thủy sản đã là “người chơi” trên một “sân chơi đẳng cấp”. Ông Lĩnh cho rằng, EVFTA sẽ là “đòn bẩy” cho kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19.
“Xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu sẽ cho lợi nhuận ổn định, tương đối tốt. Nhưng nếu vi phạm các tiêu chuẩn vào EU doanh nghiệp đừng nghĩ đến việc sẽ được trả hàng trở lại mà phải tốn một khoản lớn chi phí để đền bù thiệt hại hợp đồng và chi phí tiêu hủy lô hàng đó tại châu Âu”, ông Lĩnh cảnh báo.
Theo Hà An/Thời báo Ngân hàng