Triển khai xây dựng mô hình “Làng thông minh”

Ngày 11/12, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo trực tuyến về xây dựng mô hình thí điểm xã thông minh trong xây dựng nông thôn mới.

Làng thông minh là mô hình tiên tiến được đề ra trong quá trình phát triển nông thôn mới theo chiều sâu. Ảnh minh họa
Làng thông minh là mô hình tiên tiến được đề ra trong quá trình phát triển nông thôn mới theo chiều sâu. Ảnh minh họa

Tại hội thảo, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn chia sẻ về đề xuất xây dựng quy trình thực hiện mô hình Làng thông minh tại Việt Nam. Theo đó, các hợp phần chính của Làng thông minh là thiết chế thông minh, hạ tầng thông minh, sản xuất kinh doanh thông minh, nguồn lực thông minh, dịch vụ thông minh. Trên tinh thần nghiên cứu thực tế, đơn vị này đề xuất một số các cơ chế, giải pháp hỗ trợ thực hiện như xây dựng nền tảng cho Làng thông minh (thông tin tuyên truyền; xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách…); phát triển hạ tầng số và dữ liệu số; đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng Làng thông minh.

Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thí điểm chuyển đổi số cấp xã. Đồng thời, đề xuất đưa nội dung chuyển đổi số cấp xã vào Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Ngoài ra, Hợp tác xã nông nghiệp số và Trung tâm công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu mô hình xã thông minh kết nối dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền)…

Hướng đến phát triển nông thôn bền vững, tỉnh Đồng Tháp cũng đã phối hợp trường Đại học Bách Khoa TP.HCM thực hiện Đề tài “Nghiên cứu và phát triển mô hình Làng thông minh từ mô hình Hội quán nông dân tại Đồng Tháp”. Mục tiêu xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ hội quán nông dân phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và điều kiện kinh tế xã hội trong nước. Đồng thời, nghiên cứu phát triển một số ứng dụng điển hình của Làng thông minh dựa trên nền tảng IoT, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương.

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là điều tất yếu, phù hợp với xu hướng chung của nước và thế giới. Từng bước rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, nâng cao đời sống vùng nông thôn…

Làng thông minh (Smart Village) hay nói rộng hơn là cộng đồng thông minh, ứng dụng công nghệ kết nối để có nông nghiệp thông minh, du lịch truyền thống phù hợp phong cách du lịch mới (đặt tour, homestay, du lịch cộng đồng, ẩm thực, thanh toán không tiền mặt… qua internet), môi trường được quan trắc, giám sát và báo cáo hàng ngày, sức khoẻ người dân và du khách được đảm bảo (y tế thông minh)… và chắc chắn Làng thông minh cần một thiết chế được số hoá có khả năng quản lý và vận hành các đối tượng trong đó để đảm bảo được sự phát triển của mình bằng các giá trị truyền thống kết hợp với công nghệ.

Theo Nguyễn Ngọc/Chất lượng&Cuộc sống