UBND TP. Hà Nội vừa có chỉ đạo về việc triển khai dán thẻ định danh đối với xe ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội thành phố; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (kể cả đối với các đơn vị trực thuộc) để sử dụng dịch vụ thu phí ETC khi tham gia giao thông qua các trạm thu phí; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương gương mẫu thực hiện dán thẻ định danh đối với xe ô tô cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC, không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1-6-2022.
UBND Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND Thành phố về việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng; đồng thời chủ động theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả tổ chức thực hiện.
Trước đó, theo Bộ Giao thông Vận tải, đến thời điểm này, cả nước đã có 113 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí ETC. Một số trạm không triển khai hoặc lùi thời gian triển khai do có tính chất đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Trong số 113 trạm thu phí đã lắp đặt, vận hành ETC, có 63 trạm đã lắp đặt 100% các làn thu phí ETC (chỉ còn 1 làn hỗn hợp cả thu phí ETC và thu phí một dừng – MTC).
Hệ thống thu phí ETC giúp bảo đảm tính đồng bộ kết nối. Phương tiện chỉ cần dán 1 thẻ đầu cuối có thể qua tất cả trạm thu phí trên toàn quốc. Việc nạp tiền, trả tiền được đa dạng hóa với nhiều hình thức như áp dụng ví điện tử, kết nối liên ngân hàng giúp chủ phương tiện chủ động trong việc nộp tiền, quản lý tài khoản giao thông.
Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 2,4 triệu phương tiện đã dán thẻ để tham gia dịch vụ, chiếm hơn 50% tổng số phương tiện trên toàn quốc. Doanh thu thu phí ETC tại các trạm tăng từ 19% trong quý I-2021 lên 50% trong quý IV- 2021.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, do hệ thống ETC lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, việc quản lý vận hành hệ thống liên quan đến nhiều đối tượng, vì vậy vẫn còn tồn tại một số lỗi, bất cập gây bức xúc cho chủ phương tiện như xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền.
Nhiều phương tiện chưa đủ điều kiện vẫn đi vào cửa dành riêng cho thu phí ETC. Đây là những lỗi cần tiếp tục phải hoàn thiện, khắc phục dứt điểm trong thời gian tới.
Để bảo đảm mục tiêu mỗi trạm thu phí duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới cần lắp thêm 126 làn thu phí. Trong đó 42 làn thuộc các trạm do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, 84 làn thuộc các trạm do địa phương quản lý.
Đối với các trạm thu phí do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, Bộ đã làm việc cụ thể với từng nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ để thống nhất phương án, lộ trình triển khai lắp đặt thiết bị ETC các làn thu phí còn lại, phấn đấu hoàn thành trong quý I-2022.
Đối với các trạm thu phí do các địa phương quản lý, Bộ đã có văn bản đôn đốc và làm việc cụ thể với từng địa phương để thống nhất phương án, lộ trình triển khai bảo đảm tiến độ.
Ngoài ra, trên cơ sở đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và sự thống nhất của nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất, trước mắt lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC. Dự kiến sẽ áp dụng thí điểm trong tháng 6-2022.
Theo Minh Anh/Chất lượng&Cuộc sống