Categories Thị trường

TP Hồ Chí Minh: Xử lý nghiêm các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm

Trong thời gian qua các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm quy định trong vệ sinh an toàn thực phẩm.

Người dân nên mua thực phẩm ở những địa chỉ hợp pháp, uy tín.
Người dân nên mua thực phẩm ở những địa chỉ hợp pháp, uy tín.

Không có chuyện heo bẩn tràn lan trên thị trường

Tại buổi họp báo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh chiều ngày 4/4, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh thông tin, sau khi báo chí phản ánh về đường dây cung cấp thịt heo bẩn ra thị trường, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xem xét kỷ luật các cán bộ thú y và rà soát lại quy trình.

Theo chia sẻ của bà Lan, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương hiếm hoi trong cả nước đã dẹp được tình trạng giết mổ gia súc nhỏ lẻ để tập trung vào những lo giết môt tập trung.  Tuy nhiên, lò mổ công nghiệp còn vướng nhiều vấn đề nhưng so với việc có hàng trăm hàng nghìn trên địa bàn thì tập trung vào những lò mổ lớn để công tác quản lý thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, tiến hành đề án truy xuất nguồn gốc gia súc để quản lý từ trang trại đến tay người tiêu dùng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh.

Bà Lan cho rằng sự việc xảy để heo bẩn tuồn ra thị trường là bài học cho cơ quan quản lý, từ đó nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng này. Về phía Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã báo cáo lên UBND TP để cùng có cơ chế cùng nhau giám sát theo dõi vấn đề giết mổ gia súc, không phó mặc toàn bộ khâu chăn nuôi, giết mổ cho lực lượng bên nông nghiệp.

“Thời gian qua, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã kiểm tra đột xuất 5 cơ sở mà các phóng viên cung cấp, có 2 cơ sở hiện nay không kinh doanh thịt heo. Tại 2 cơ sở ở huyện Hóc Môn đã phát hiện 953kg thịt heo bẩn. Chúng tôi đã xử phạt 50 triệu  đồng và chủ cơ sở buộc phải tiêu huỷ toàn bộ số thịt heo này. Còn 1 cơ sở tại quận Bình Thạnh đã được UBND địa phương xử phạt về việc kinh doanh thịt không trình được nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ”, bà Lan thông tin

Cũng theo chia sẻ của bà Lan, từ trước tới nay, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh  kiểm soát gián tiếp chứ không  trực tiếp. Bởi đa số heo giết mổ tại TP Hồ Chí Minh và 1 phần rất lớn ở các tỉnh bạn đưa về chợ đầu mối của TP lực lượng an toàn thực phẩm túc trực kiểm tra từng xe heo, truy xuất nguồn gốc.

“Hầu như đêm nào cũng có báo cáo heo không đảm bảo chất lượng bị bắt tại chỗ và tiêu hủy. Ngoài ra, Ban quản lý an toàn thực phẩm cũng còn hình thức kiểm tra gián tiếp là địa bàn sử dụng thịt heo trong quản lý sản xuất kinh doanh sẽ chịu sự kiểm tra của đội quản lý an toàn thực phẩm cũng như lực lượng liên ngành của quận huyện và TP Thủ Đức về nguồn gốc xuất xứ”, bà Lan Thông tin.

Cũng theo bà Lan, không nên vì một vụ việc mà chúng ta kết luận thịt heo bẩn đang tràn lan trên thị trường hiện nay. “Bản thân tôi khẳng định không có việc tràn lan thịt heo bẩn trên thị trường hiện nay. Điều này được chứng minh bằng số lượng mẫu thịt heo về độ nhiễm khuẩn, các tiêu chí an toàn vẫn trong giới hạn cho phép và chúng tôi cũng không bao giờ để xảy ra tình trạng thịt heo bẩn tràn lan”, bà Lan khẳng định.

“Trong thời gian dịch bệnh diễn ra chúng ta thiếu thực phẩm tươi sống, xảy ra tình trạng nhà nhà buôn bán thực phẩm, tất cả này tiềm ẩn nguy cơ lớn. Bây giờ các chợ đã mở lại tất cả các vấn đề về an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục được thực hiện ghiêm, Vì vậy người dân nên mua thịt heo ở những địa chỉ hợp pháp, uy tín”, Bà Lan khuyến cáo.

Khoảng 92% chợ truyền thống đã đi vào hoạt động

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc thông tin tại buổi họp báo.

Cũng tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, trên cơ sở bảng giá mới các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022 đã được công bố, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức kiểm tra trong công tác quản lý điều hành bình ổn thị trường.

Công tác kiểm tra này sẽ được thực hiện thường xuyên liên tục. Sở đề nghị Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra quản lý thị trường,  theo dõi sát diễn biến của các mặt hàng thiết yếu, trong đó chú trọng đến xăng dầu, thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng tình hình biến động thị trường găm hàng, trục lợi bất chính.

Khoảng 92% chợ truyền thống đã đi vào hoạt động.

Cũng theo chia sẻ của bà Ngọc, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ hệ thống phân phối trên địa bàn TP đưa ra các chương trình, vận động các hệ thống có chương trình chiết khấu nhằm giảm giá cả hàng hóa, giảm áp lực hàn hóa tăng lên do tình hình biến động như đã thấy từ đầu năm.

Từ khi phục hồi hồi kinh tế, UBND TP Thủ Đức, các quận huyện đã vận động đưa các chợ truyền thống sau giai đoạn ngưng do dịch bệnh đi vào hoạt động. Đến nay khoảng 92% các chợ đi vào hoạt động. Một số chợ do dịch bệnh và xuống cấp tạm ngưng để sửa chữa, nâng cấp. Bên cạnh đó một số chợ vắng khách do thời gian dịch bệnh nhiều tiểu thương chuyển dịch từ buôn bán trực tiếp qua trực tuyến đến nay vẫn duy trì hình thức này.

“Để phát triển các chợ truyền thống, Sở đang định hướng các chợ xây dựng các phương thực phù hợp với tình hình mới. Ngoài ra một số nguyên nhân dẫn đến vắng khách tại một số chợ do một số địa phương có tình trạng về quê chống dịch còn chưa quay lại. Sở Công Thương đang định hướng phát triển chợ truyền thống, đẩy mạnh lợi thế của các chợ nguồn gốc hàng hóa rõ ràng, chất lượng đảm bảo giá cả hợp lý. Sở sẽ làm việc các quận huyện và TP Thủ Đức để đề ra các giải pháp trong thời gian tới”, bà Ngọc cho hay.

Theo Hồ Phúc/Báo Giáo dục & Thời đại