TP.Hồ Chí Minh: Để hàng Việt phủ rộng trong đời sống

Ông Ngô Thanh Sơn cho biết, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục có các giải pháp giúp doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực hiệu quả quản lý, điều hành sản xuất hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị, chất lượng cao, giá thành hợp lý.

Ông Ngô Thanh Sơn – Phó chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cho biết, trong năm 2021, các cấp chính quyền thành phố đã quán triệt sâu sắc nội dung Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

tpho chi minh de hang viet phu rong trong doi song
Ảnh minh họa.

Theo đó, thành phố đã thực hiện các giải pháp như công tác phát triển hệ thống phân phối, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, chương trình bình ổn thị trường năm 2021 – 2022, hoạt động xúc tiến thương mại và đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử. Từ đó giúp cộng đồng xã hội đã có nhiều thay đổi thói quen chọn hàng Việt Nam thay thế cho sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là các lĩnh vực ngành hàng công nghiệp tiêu dùng, thời trang, thực phẩm các loại và nhu yếu phẩm. Tới nay, kênh phân phối tại chợ truyền thống và hệ thống siêu thị, cửa hàng tạp hóa có tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90% còn tại các trung tâm thương mại, hàng Việt cũng có tỷ lệ khoảng 80%.

Điểm đặc biệt, trong giai đoạn TP.HCM thực hiện giãn cách để phòng chống dịch, nhiều mô hình sáng tạo chăm lo an sinh xã hội được nhân rộng như “Gian hàng 0 đồng”, “Siêu thị mini 0 đồng”, “chợ nghĩa tình”, “Bếp yêu thương”, cây ATM gạo, “Rau sạch nghĩa tình – San sẻ yêu thương”, “Đi chợ giúp hội viên, phụ nữ”… đã lan tỏa rộng trong cộng đồng dân cư. Những hoạt động này vừa thể hiện tính nhân văn, nghĩa tình của người dân thành phố lại vừa là cơ hội để hàng Việt phủ diện rộng.

Nói về giải pháp sử dụng nguyên liệu Việt để phủ rộng hàng Việt trên thị trường, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh – đơn vị sản xuất đồ uống xuất khẩu từ nguyên liệu ngoại cho biết, chính sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã thúc đẩy công ty tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội địa thay thế. Công ty đã chuyển sang sử dụng các loại nước cốt chanh dây, xoài, vải được chế tạo ở Việt Nam. “Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường sản xuất các loại đồ uống có nguồn gốc từ thiên nhiên như nước chanh muối, yến sào nha đam, nha đam đường phèn, nước tăng lực nha đam, nước tăng lực thạch dừa… với các nguyên liệu nội địa. Các sản phẩm này vẫn giữ được chất lượng, không thua kém gì so với khi dùng nguyên liệu nhập khẩu”, ông Hiến cho biết.

Ông Ngô Thanh Sơn cho biết, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục có các giải pháp giúp doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực hiệu quả quản lý, điều hành sản xuất hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị, chất lượng cao, giá thành hợp lý. Cùng với đó là tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị hữu quan tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của nhân dân về quyền lợi người tiêu dùng thông qua kênh truyền thống và kênh hiện đại; Thực hiện chọn lựa hàng sản xuất trong nước khi mua sắm bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước; Vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của thành phố khi mua sắm vật tư, đầu tư trang thiết bị để thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên sử dụng các thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ trong nước đảm bảo chất lượng.

Để “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn năm 2022 đạt được hiệu quả cao, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động yêu cầu các ngành, các cấp trên địa bàn tập trung vào các nhóm giải pháp đa dạng, mở rộng hình thức, quy mô xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng, hình thành các liên kết chiến lược giữa các doanh nghiệp phân phối, giữa phân phối và sản xuất, góp phần tăng cường liên kết nội bộ, liên kết vùng để hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa có giá trị, ổn định và dẫn đắt thị trường.

“Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các ngành các cấp liên quan cần làm là tổ chức giới thiệu các sản phẩm công nghệ mới, các ngành hàng thuộc lĩnh vực sản phẩm chủ lực của TP.HCM, qua đó thúc đẩy nâng cao giá trị và tiêu chuẩn hàng hóa Việt, cung cấp thông tin thị trường, chất lượng hàng hóa Việt Nam để người dân lựa chọn”, ông Hải nói.

Theo Minh Lâm/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email