UBND TP.HCM giao Sở GTVT yêu cầu Công ty Hào Huy chịu trách nhiệm di dời tàu nhà hàng Elisa khỏi bến Bạch Đằng (thuộc cầu bến số 4).
Nội dung trên được đề cập trong kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình tại cuộc họp tổ chức khai thác cầu bến số 2, 3, 4 thuộc khu bến Bạch Đằng.
Đối với các cầu bến 2, 3, TP thống nhất chủ trương hoạt động theo kiến nghị của Sở GTVT, tiếp tục cho khai thác du lịch đường sông kết hợp ẩm thực cho đến cuối năm 2022.
Trong đó, cầu bến số 2 do Công ty TNHH Công nghệ xanh DP quản lý khai thác tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy từ bến Bạch Đằng đi Cần Giờ, Vũng Tàu. Khu vực bến đã được chỉnh trang, xây dựng nhà chờ và các công trình phụ trợ để phục vụ khách du lịch.
Tại cầu bến số 3, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV khai thác 40 m phía thượng lưu. Ngoài ra, Phòng CSGT đường thủy (PC08B), Công an TP.HCM, sử dụng 40 m từ trung tâm cầu bến về phía hạ lưu sông Sài Gòn để neo đậu tàu công vụ.
Công viên bến Bạch Đằng nằm trên trục đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM). Công viên có chiều dài 1,3 km và rộng 23.400 m2.
Công viên Bến Bạch Đằng trước đây là bãi giữ xe và một phần của bến phà Thủ Thiêm nối quận 1 và TP Thủ Đức, nhà điều hành của các doanh nghiệp hoạt động tàu cánh ngầm tuyến TP.HCM – Vũng Tàu và bến của loại tàu này. Trên mặt sông có nhiều tàu nhà hàng neo đậu. Một phần công viên được làm bờ kè cho người dân TP đến đây hóng mát.
Năm 2013, UBND TP đã giao Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) lập quy hoạch, chỉnh trang, cải tạo, khai thác và quản lý công viên Bến Bạch Đằng.
Đến 2015 công tác chuẩn bị cho dự án vẫn chưa triển khai. Giữa 2016, UBND TP yêu cầu Saigontourist chuyển giao công viên cho UBND quận 1 quản lý.
Theo Thư Trần/Zingnews.vn