Chiều ngày 20/2/2023, tại UBND TP.Hồ Chí Minh diễn ra buộc họp nghe báo cáo về giải quyết khó khăn, vướng mắc tại các dự án trên địa bàn Thành phố do ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND chủ trì cùng lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch – Kiến trúc… và các chủ đầu tư dự án liên quan.
Được biết, cuộc họp này trên cơ sở đề xuất tại Báo cáo số 1748 ngày 14/02/2023 của Sở Xây dựng về vướng mắc tại 116 dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị về phân nhóm, tiến độ giải quyết các vướng mắc dự án cùng đơn vị sở, ngành liên quan giải quyết, giao Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch-Kiến trúc và các đơn vị liên quan trao đổi, thống nhất với HoREA, báo cáo trình UBND Thành phố chỉ đạo, phân công các đơn vị chịu trách nhiệm thụ lý, giải quyết các nhóm hồ sơ có cùng vướng mắc theo đúng chức năng, nhiệm vụ và báo cáo UBND TP.HCM trước ngày 24/2/2023.
Cụ thể 7 dự án được họp bàn gỡ khó, bao gồm Dự án Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, Quận 7; Dự án Khu liên hợp Thể dục Thể thao và Dân cư Tân Thắng, phường Tân Kỳ, Quận Tân Phú; Dự án Chung cư Cửu Long – số 1 đường Tôn Thất Thuyết, phường 1, Quận 4; Dự án Khu phức hợp Sóng Việt- công trình tại lô đất 1-7, Khu đô thị mới Thủ Thiêm TP.Thủ Đức; Dự án Khu nhà ở Thiên Lý tại phường Phước Long B, TP. Thủ Đức; Dự án 30,2 ha phường Bình Khánh TP Thủ Đức và Dự án Chung cư Cô Giang, phường Cô Giang, Quận 1.
Tại cuộc họp, dự án đầu tiên được lãnh đạo TP và các sở lắng nghe vướng mắc là khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp đường Bến Nghé (phường Tân Thuận Đông, quận 7). Đây là dự án kết hợp khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp đủ điều kiện để bán, song đến tận thời điểm hiện tại vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận thủ tục để mở bán, khiến doanh nghiệp thiệt hại về tài chính do thời gian chờ đợi kéo dài nhiều năm. Chủ đầu tư đã nhiều lần “kêu cứu” gửi Sở Xây dựng để Sở này lập văn bản đề xuất trình UBND TP.HCM xem xét, giải quyết về vấn đề bán nhà ở hình thành trong tương lai, đưa vào danh mục ưu tiên giải quyết cùng với một số dự án khác.
Ngoài 7 dự án bất động sản nêu trên, một chủ đầu tư khác là Novaland bị vướng đến 2 dự án cần nhanh chóng được tháo gỡ là dự án 30,2 ha phường Bình Khánh TP.Thủ Đức và Dự án Chung cư Cô Giang, phường Cô Giang, Quận 1. Theo đại diện Tập đoàn, việc tạm dừng dự án gây khó khăn cho công ty, dẫn đến nhiều hệ lụy cho thị trường. Đồng thời, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn được sớm hỗ trợ về cơ chế, chính sách nhằm giải quyết khó khăn trước mắt và lâu dài.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với các địa phương và doanh nghiệp về thị trường bất động sản diễn ra ngày 17/2, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết TP.HCM sẽ lập tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án bất động sản. Hiện nay, TP.HCM có khoảng 116 dự án gặp vướng, trong đó có 38 dự án sẽ được Thành phố ưu tiên tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, sau buổi làm việc ngày 15/2 của UBND TP.HCM với 19 doanh nghiệp bất động sản và hội nghị “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững”, UBND TP.HCM đã tiếp tục có cuộc họp bàn gỡ vướng với từng doanh nghiệp và dự án cụ thể.
“Đây là hành động kịp thời, thể hiện quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của UBND TP.HCM, cùng các sở, ngành khi tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án bất động sản trên địa bàn và thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP. HCM. Các doanh nghiệp bất động sản mong mỏi tình hình sẽ có sự chuyển biến tích cực sau khi chính quyền thành phố nỗ lực vào cuộc và tìm giải pháp tháo gỡ các “nút thắt” hiện nay” – ông Châu nói.
Theo Tuyết Anh/Thời báo Ngân hàng