Ngày 10/3, nhằm kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy nhanh công cuộc phục hồi kinh tế, Sở Công Thương TP.HCM đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM giai đoạn 2022 – 2025.
Theo đó, ngành công thương TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong khu vực sản xuất, kinh doanh. Ngành công thương TP.HCM sẽ hỗ trợ khôi phục sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng và đảm bảo lưu thông hàng hóa.
Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức triển khai chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố giai đoạn năm 2020 – 2025.
Hỗ trợ phát triển 3 ngành cơ khí – tự động hóa, chế biến thực phẩm, nhựa – cao su giai đoạn 2020 – 2030 nhằm định hướng, xây dựng các chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố.
Xây dựng, thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm đảm bảo vùng, nguồn nguyên liệu cho sản xuất; hỗ trợ phát triển sản xuất và kết nối cung – cầu công nghiệp hỗ trợ, thay thế dần nguyên liệu nhập khẩu.
Tham mưu giải pháp nâng cao hiệu quả công tác họp tác, kết nối cung – cầu hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa hai chiều, vừa đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân vừa mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết, kế hoạch cũng sẽ củng cố, phát triển hạ tầng thương mại, hệ thống phân phối. Theo đó, ngành công thương sẽ rà soát, hỗ trợ khôi phục hoạt động trở lại đối với toàn bộ hệ thống chợ truyền thống, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân;
Tiếp tục phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu triển khai chương trình vận động các chủ nhà cho thuê mặt bằng để bán buôn, kinh doanh hỗ trợ giảm giá cho khách hàng thuê nhằm từng bước khôi phục hoạt động thương mại bán lẻ và hỗ trợ kích cầu trong bối cảnh còn nhiều mặt bằng cho thuê kinh doanh bị bỏ trống, góp phần tạo động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế thành phố…
Ngoài ra, ngành công thương TP.HCM cũng sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa.
Đối với thị trường nội địa, ngành công thương tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố kết họp với thực hiện “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm tạo sự chủ động, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu; Triển khai Chương trình Khuyến mại tập trung trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2025; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ phát triển thị trường thương mại điện tử có tính tương tác cao, lành mạnh, cạnh tranh và phát triển bền vững…
“Riêng đối với thị trường xuất khẩu, ngành công thương TP.HCM tiếp tục chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng phát triển nhanh dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và thúc đẩy phát triển xuất khẩu dịch vụ, hàng hóa vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số,…); Trọng tâm là phát triển dịch vụ logistics, cung cấp dịch vụ tài chính, đấy mạnh liên kết vùng đế sản xuất hàng xuất khấu theo hướng chuyển dịch đến các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị theo hướng thành phố tập trung thực hiện hoạt động R&D và các dịch vụ khác phù hợp với lợi thế so sánh giữa thành phố và các tỉnh/thành phía Nam.
Đồng thời, tích cực thực hiện các giải pháp để thu hút các nhà đầu tư lớn nhằm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tập trung phát triển một số sản phẩm có lợi thế của Thành phố thành sản phẩm xuất khấu chủ lực trong thời gian tới”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết.
Theo Minh Lâm/Thời báo Ngân hàng