TP.HCM quyết tâm phá dỡ chung cư cũ để xây mới trong năm 2020

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong năm 2020, nhiều chung cư cũ trên địa bàn thành phố sẽ hoàn thành công tác di dời, phá dỡ để xây mới.

Sở Xây dựng TP.HCM vừa đề xuất UBND các quận: 1, 3, 4, 5, 6, Tân Bình khẩn trương hoàn tất công tác di dời khẩn cấp các hộ dân, hoàn tất công tác phá dỡ 11 chung cư trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng yêu cầu các quận 1, 4, 6 khẩn trương hoàn tất công tác lựa chọn chủ đầu tư cho 4 chung cư trên địa bàn. Cụ thể, 2 chung cư tại Q.1 là chung cư 128 Hai Bà Trưng và 23 Lý Tự Trọng đã có chủ đầu tư, hoàn tất công tác di dời nhưng chưa phá dỡ. Dự kiến, phê duyệt phương án tháo dỡ vào quý 1/2020, hoàn tất phá dỡ trong quý 2/2020.

Chung cư Ấn Quang, Q.10 nằm trong số các chung cư hư hỏng nặng cần được di dời. Ảnh:Tấn Lợi

Chung cư 155-157 Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão,Q.1 đã di dời 84/100 hộ dân, hiện chưa chọn được chủ đầu tư xây mới, 16 hộ dân còn lại sẽ di dời trong quý 1/2020. Dự kiến việc phá dỡ chung cư sẽ hoàn tất trong quý 3/2020.

Còn tại chung cư 11 Võ Văn Tần Q.3, đã di dời 18/19 hộ dân, đã lựa chọn được chủ đầu tư xây mới, hoàn tất phá dỡ chung cư trong quý 3/2020.

Tại Q.4, sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư tại các lô A,B,C tại chung cư Vĩnh Hội để lựa chọn chủ đầu tư và dự kiến quý 4/2020 sẽ hoàn tất phá dỡ. Cũng tại Q.4, chung cư 6 bis Nguyễn Tất Thành tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; quý 1/2020 sẽ di dời khẩn cấp 123 hộ dân tại chung cư Trúc Giang để đến quý 3/2020 hoàn tất phá dỡ.

Tại quận Tân Bình, chung cư 47 Long Hưng và chung cư 40/1 Tân Phước đã di dời, phá dỡ, lựa chọn được chủ đầu tư thực hiện xây mới; chung cư 137 Lý Thường Kiệt và 149-151 Lý Thường Kiệt không xây dựng lại tại vị trí cũ, chưa thực hiện di dời 55 hộ dân. Dự kiến, quý 3/2020 hoàn thành phá dỡ; chung cư 170-171 Tân Châu không xây dựng lại mới tại vị trí cũ, đã hoàn tất phá dỡ.

Trong khi đó, chung cư 119B Tân Hoà Đông hiện có 24 hộ dân chưa di dời. Theo quy hoạch mới, vị trí chung cư 119B Tân Hoà Đông không xây dựng chung cư mà xây trường học. UBND Q.6 vẫn đang thực hiện các thủ tục đầu tư dự án theo quy hoạch.

Mới đây, ông Huỳnh Minh Hùng, Phó chủ tịch UBND Q.6 cho biết, việc vận động những hộ dân đang sinh sống tại các chung cư xuống cấp trên địa bàn di dời đến nơi ở mới gặp khó khăn vì hiện nay thành phố chưa ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp này.

Ông đề nghị UBND TP.HCM sớm ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các hộ dân đang cư ngụ tại các chung cư bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn để quận làm cơ sở thực hiện công tác lập, phê duyệt phương án di dời, đồng thời tạo thuận lợi trong việc vận động người dân.

Theo ông Lê Hoà Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố đã chấp thuận cho Q.6 sử dụng 128 căn hộ ở chung cư 243 Tân Hoà Đông, P.14 để bố trí tạm cư, tái định cư cho các hộ dân tại 2 chung cư nói trên. Sở Xây dựng sẽ phối hợp cùng UBND Q.6 triển khai di dời khẩn cấp 24 hộ dân tại chung cư 119B Tân Hoà Đông để tháo dỡ. Còn với chung cư 43 Bình Tây, Q.6 cần xác lập ranh dự án quy hoạch để triển khai dự án, có ý kiến của Sở Quy hoạch – Kiến trúc và UBND Thành phố trước khi thực hiện.

Trên địa bàn Q.6 hiện có 44 chung cư được xây dựng từ trước năm 1975, hầu hết trong số này là chung cư có diện tích nhỏ, từ 2 đến 4 tầng. Chung cư 34 Bình Tây và 119B Tân Hoà Đông là hai chung cư đã hư hỏng nặng, thuộc cấp nguy hiểm cần phải di dời khẩn cấp.

TP.HCM hiện còn 474 chung cư xây dựng từ trước năm 1975 cần thực hiện cải tạo hoặc đầu tư xây dựng mới, trong đó có 237 chung cư hư hỏng cần tiến hành cải tạo từ nay đến năm 2020. Thế nhưng vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan nên tiến độ cải tạo, xây mới chung cư cũ khá chậm.

Bên cạnh đó, phần lớn các chung cư trong những quận nội thành xây dựng trước 1975 có diện tích rất nhỏ, thậm chí có những chung cư diện tích khuôn viên chỉ vài trăm mét vuông. Vì vậy, nếu tách các dự án này ra từng dự án độc lập rồi xây mới, tái định cư tại chỗ cho người dân thì sẽ không còn đất cho doanh nghiệp tham gia xây dựng lại chung cư. Do đó, TP.HCM chủ trương giao cho các sở ngành, quận huyện rà soát trên địa bàn mình các chung cư cũ cần xây mới, xem các chỉ tiêu quy hoạch để có thể dồn các hộ tái định cư vào một chung cư, những quỹ đất còn lại dành cho nhà đầu tư.

Hy vọng với cách làm này, sau khi liên kết các dự án lại với nhau sẽ tạo nên quỹ đất cần thiết để vừa đảm bảo yêu cầu tái định cư tại chỗ cho người dân, đồng thời đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp khi tham gia xây mới chung cư cũ và công tác chỉnh trang đô thị cũng sẽ được đảm bảo, góp phần tạo bộ mặt đô thị TP.HCM ngày một đẹp, khang trang và văn minh hơn.

Theo Tấn Lợi/Người tiêu dùng