TP.HCM: Phụ thuộc khách nước ngoài, cung khách sạn giảm mạnh

Các khách sạn phụ thuộc vào khách du lịch nước ngoài đang gặp khó khăn, điều đáng mừng là doanh thu dịch vụ ăn uống đã phục hồi trở lại.

Khách sạn hoạt động kém hiệu quả

Theo Savills Việt Nam, nguồn cung khách sạn giảm mạnh. Toàn thị trường hiện có 84 dự án cung cấp khoảng 12.400 phòng, giảm -23% theo quý và theo năm đến từ việc đóng cửa tạm thời ở tất cả các phân khúc. Nhằm giảm thiểu chi phí vận hành, InterContinental Asiana Saigon và Norfork đã giảm nguồn cung và một số dịch vụ. Các chuỗi như Alagon, Silverland, A&Em và Liberty đã đóng một số chi nhánh và hướng khách hàng đến các dự án tiêu biểu.

Thị trường 6 tháng đầu năm 2020 hoạt động kém nhất từ trước đến nay do chính sách phong tỏa. Công suất phòng giảm -36 điểm phần trăm theo năm xuống 32% trong khi giá phòng giảm -13% theo năm xuống 74USD/phòng/đêm. Sau quý 1 đầy biến động, công suất quý 2 chỉ đạt 12%, giảm -36 điểm phần trăm theo quý. Áp lực từ công suất phòng thấp đã khiến giá phòng trung bình giảm -21% theo quý.

Phân khúc 5 sao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc chủ yếu vào khách quốc tế. Theo Sở du lịch TP.HCM, lượng khách quốc tế tại thành phố trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm -69% theo năm xuống 1,3 triệu lượt.

Trong nửa đầu 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm -47% theo năm và doanh thu du lịch lữ hành giảm -71% theo năm. Sau thời gian giãn cách xã hội vào tháng 4, quý 2 ghi nhận mức giảm -48% theo quý đối với doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và -96% theo quý đối với doanh thu du lịch lữ hành.

Nguồn cung nội địa là nguồn cầu tiềm năng hiện tại. TP.HCM có khoảng 8,1 triệu khách nội địa trong 6 tháng đầu năm, cao nhất cả nước.

Đại diện Savills Việt Nam cho hay, với tỷ lệ phòng trống của toàn thị trường luôn dao động quanh mức 30% trước khi đại dịch bùng phát, phân khúc khách sạn có thể tiếp tục gặp khó khăn trong giai đoạn tới. Hơn 4.000 phòng từ các dự án tương lai và sự trở lại của các khách sạn đóng cửa tạm thời sẽ gây áp lực nguồn cung lớn trong 6 tháng cuối năm 2020. Tuy nhiên, mô hình “bong bóng du lịch” đang được cân nhắc.

Hai hoặc nhiều quốc gia đã kiểm soát thành công Covid-19 sẽ hình thành hành lang du lịch và thị trường châu Á dự kiến sẽ trở thành thị trường chính. Trong năm 2019, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cùng với Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc đã chiếm 77% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Thị trường sẽ tiếp tục phụ thuộc vào khách du lịch trong nước cho đến khi đường bay quốc tế phục hồi.

Văn phòng hoạt động tốt

Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại Savills Việt Nam cho hay, nguồn cung tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm bất chấp kinh tế trì trệ. Trong 2 quý vừa qua, thị trường có thêm 91.000m2 nguồn cung mới, tăng 15% theo năm, trong đó, 33% đến từ 4 dự án mới trong Q2, một dự án hạng A gia nhập sau 3 năm qua. Tổng nguồn cung đạt xấp xỉ 2,2 triệu m2.

Đến cuối 2022, có 24 dự án mới sẽ gia nhập thị trường với hơn 376.000m2. Nguồn cung tương lai tiếp tục khẳng định niềm tin của chủ đầu tư đối với thị trường. Hơn 70% các dự án tương lai đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Tình hình hoạt động vẫn tích cực trong nửa đầu năm với giá thuê tăng 4% theo năm và công suất trung bình cao ở mức 95%.

“Phân khúc văn phòng vẫn hoạt động tốt với tỷ lệ trống chỉ 5%. Xu hướng phát triển tại khu vực ngoài trung tâm được kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực cho thị trường trong thời gian tới”, bà Từ Thị Hồng An chia sẻ.

Trong Q2, giá thuê tăng 1% theo quý và 4% theo năm, do nhiều diện tích thuộc phân khúc hạng B tăng giá sau thời gian dài lấp đầy. Hạng C trở thành phân khúc nhạy cảm nhất với trì trệ kinh tế, giá thuê giảm -0.4% theo quý.

Các chủ đầu tư đã linh hoạt hơn trong áp dụng các điều khoản ưu đãi. Dự án hạng A và B chủ yếu cung cấp giải pháp ngắn hạn cho các khách thuê hiện hữu. Một số chủ đầu tư giảm giá thuê đến 20% trong 3 tháng. Dự án hạng C giảm giá từ 5-15% nhằm thu hút khách thuê mới.

Về nguồn cầu, thị trường văn phòng chưa chịu tác động ngay lập tức bởi Covid nhưng đã bắt đầu bị ảnh hưởng trong Q2, cụ thể ở việc khách thuê bị giảm doanh thu 6 tháng đầu năm. Một số doanh nghiệp buộc phải cắt giảm diện tích và di dời để tiết kiệm chi phí. Lượng tiêu thụ trong nửa đầu năm đạt hơn 52.000m2, tăng 74% theo năm. Tuy nhiên, riêng Q2/2020, lượng tiêu thụ âm ở mức -34.200m2, khoảng 44% doanh nghiệp đã đóng cửa, thu hẹp diện tích hoặc chuyển sang nhà phố.

Dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến ngành hàng không, vận tải, du lịch và tài chính, nhưng đồng thời là cơ hội cho thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ bất động sản. Theo khảo sát cơ cấu khách thuê tại các tòa nhà hạng A và B của Savills, tỷ trọng sàn thuê của ngành tài chính giảm -2 điểm phần trăm và du lịch giảm -1 điểm phần trăm theo năm. Các ngành sản xuất, công nghệ thông tin và bất động sản tăng tỷ trọng từ 1-2 điểm phần trăm theo năm với triển vọng nguồn cầu tích cực.

Với thời hạn thuê dài từ 3-5 năm, các dự án có công suất trên 90% có xu hướng duy trì chính sách thuê. Dự án sắp gia nhập thị trường với diện tích trống lớn sẽ áp dụng các ưu đãi để thu hút khách thuê. Suy thoái kinh tế sẽ tiếp tục tác động đến khách thuê và thách thức thị trường trong nửa cuối năm.

Bên cạnh nguồn cung mới gia nhập, diện tích trống tăng lên sẽ thúc đẩy việc thương lượng các điều khoản thuê. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo FocusEconomics, tăng trưởng GDP dự báo đạt 2,6% năm 2020, phục hồi ở mức 6,7%/năm giai đoạn 2021-2024. Với triển vọng tươi sáng trong dài hạn, Việt Nam vẫn là điểm đến tốt nhất khu vực châu Á.

Theo Diệu Linh/Thời báo Ngân hàng