TP.HCM phát triển khu công nghiệp sinh thái

TP.HCM đang thí điểm phát triển khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước thành KCN sinh thái. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng có kế hoạch thí điểm thêm một KCN sinh thái, gắn với đổi mới công nghệ.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, thành phố đang có 3 KCX, 14 KCN. Lũy kế đến nay, các KCX, KCN trên địa bàn đã thu hút được trên 12 tỷ USD vốn đầu tư, giải quyết việc làm cho hơn 276.000 lao động; kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 8 tỷ USD, chiếm khoảng 21% kim ngạch xuất khẩu của cả thành phố, trừ dầu thô. Các doanh nghiệp trong các KCX, KCN đóng góp ngân sách hàng năm gần 50.000 tỷ đồng.

Thách thức về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cuộc CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi mô hình các KCX, KCN theo hướng hiệu quả hơn. Trong bối cảnh đó, TP.HCM đã xây dựng Đề án Định hướng phát triển các KCX, KCN TP.HCM giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Theo đó, TP.HCM sẽ chuyển đổi các khu này theo chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu dự án trong KCN thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường. Hiện có 24 doanh nghiệp tại KCN Hiệp Phước đăng ký tham gia chương trình chuyển đổi mô hình sản xuất sạch hơn nhằm sử dụng hiệu quả nguyên, nhiên liệu, thân thiện với môi trường.

tphcm phat trien khu cong nghiep sinh thai
KCN Hiệp Phước chuyển đổi sang KCN sinh thái – đô thị – cảng biển hướng đến quy mô phát triển lớn nhất thành phố.

Từ năm 2015 đến 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái với nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), nhằm phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu, và thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Sau 4 năm triển khai dự án, 72 doanh nghiệp tham gia đã áp dụng hơn 900 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm được 76 tỷ đồng/năm thông qua việc cắt giảm năng lượng tiêu thụ, các tài nguyên, vật liệu.

Theo các chuyên gia, việc thực hiện chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái bước đầu đã đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường, đồng thời huy động được nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Werner Bardill, Tổng lãnh sự, Lãnh sự quán Thụy Sỹ tại TP.HCM nhận định, hiện nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong đầu tư và thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.

“Chúng tôi hy vọng, ngày càng có nhiều KCN và các doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia vào quá trình chuyển đổi này để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới”, ông Werner Bardill cho biết.

Ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban Quản lý các KCN – KCX TP.HCM cho rằng việc thực hiện thí điểm chuyển đổi KCN Hiệp Phước sang KCN sinh thái – đô thị – cảng biển hướng đến quy mô phát triển lớn nhất thành phố với tổng diện tích cả 3 giai đoạn KCN 1.300 ha là do có sự thuận lợi về vị trí, về cơ sở hạ tầng như nhà máy xử lý nước thải, nhà trẻ, nhà ở cho công nhân, công viên, khuôn viên cây xanh, trạm y tế, trung tâm sinh hoạt công nhân, siêu thị, khu liên hợp thể thao…

“Tương tự, các KCN tại thành phố còn lại, nhất là những KCN đang hình thành đều có thế mạnh để có thể áp dụng các bộ tiêu chí đặt ra trong việc hình thành một KCN sạch, sinh thái, nhằm đem lại lợi ích môi trường, kinh tế cho doanh nghiệp và KCN. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có sự thống nhất quyết tâm từ các doanh nghiệp, đơn vị phát triển hạ tầng KCN, sự ủng hộ về chính sách từ Nhà nước; sự hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan chức năng triển khai cùng lúc nhiều giải pháp đồng bộ trong việc thực thi các hoạt động có liên quan để xây dựng thêm nhiều KCN sinh thái trong tương lai, phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố và cả nước”, ông Phạm Thanh Trực khẳng định.

Về định hướng phát triển các KCN trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết, mục tiêu đến năm 2030 xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh gắn với CMCN 4.0 là xu hướng tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

TP.HCM cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) triển khai dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” tại TP.HCM, trong đó KCN Hiệp Phước được chọn tham gia dự án.

“Kết quả của dự án sẽ là tiền đề để nhân rộng chuyển đổi các KCN hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái tại TP.HCM và trên cả nước”, ông Hoan nói.

Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam, theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” có tổng kinh phí là hơn 1,8 triệu USD, được triển khai thực hiện trong 3 năm tại TP.HCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng với các KCN như Hiệp Phước, Trà Nóc 1&2, Amata – Biên Hoà, Hoà Khánh và Đình Vũ (Deep C). Trong giai đoạn 2020-2023, Chính phủ Thụy Sĩ tiếp tục hỗ trợ 3 KCN tại TP.HCM, Hải Phòng và Đồng Nai phát triển chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái theo khung quốc tế, là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước.

Theo Minh Lâm/Thời báo Ngân hàng