Categories Bất động sản

TP.HCM: “Loay hoay” gỡ rối cho gần 200 dự án

UBND TP.HCM đã công khai Danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2022 trên địa bàn thành phố, bao gồm 197 dự án với tổng mức đầu tư 943.937 tỷ đồng, tương đương 42,897 tỷ USD. Thế nhưng, tất cả hiện đều chưa đủ điều kiện để tổ chức kêu gọi đầu tư.

Trong số 197 dự án nêu trên, về hạ tầng giao thông có các dự án cao tốc, các tuyến quốc lộ, kết nối khu vực lân cận như dự án đường trục động lực (đường song song Quốc lộ 50) với chiều dài 8,7 km có tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng; dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài (đoạn từ Vành đai 3 đến ranh Long An) với tổng vốn đầu tư hơn 13.800 tỷ đồng.

Thành phố cũng thu hút đầu tư vào các dự án đường trên cao với dự án tuyến đường trên cao số 1 với chiều dài 9,5 km (đi qua các Quận 1, 3, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận) với tổng vốn đầu tư 17.500 tỷ đồng; dự án tuyến đường trên cao số 5 với chiều dài 21,5 km (đi qua thành phố Thủ Đức, Quận 12, Bình Tân, huyện Hóc Môn) với tổng vốn đầu tư 15.400 tỷ đồng…

tphcm loay hoay go roi cho gan 200 du an
70% số dự án trên địa bàn đang bị tắc

Trả lời Đoàn giám sát HĐND TP.HCM về những vướng mắc của các dự án này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết thành phố đang tích cực tìm cách tháo gỡ. Hiện cần xác định cụ thể các điều kiện cần và đủ để kêu gọi đầu tư là gì. Trong 197 dự án có cả đầu tư công và đầu tư tư nhân, vì vậy cần làm rõ phương thức, chủ trương đầu tư; cần xác định xem dự án thuộc nhóm nào để áp dụng luật cho đúng. Việc chưa xác định được rõ loại dự án dẫn đến khó xác định nguồn lực đầu tư, cơ sở pháp lý.

“Cùng với đó, nhiều dự án đang bị rối giữa quy hoạch cũ đang áp dụng và quy hoạch mới đang xây dựng. Ở nhiều quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất không còn như cũ. Lại nữa, nhiều địa phương đã dừng quy hoạch cũ để chờ quy hoạch mới. Bên cạnh đó, nhiều dự án vẫn chưa có đất sạch, muốn có đất sạch giao cho nhà đầu tư thì Nhà nước phải chi tiền để thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nhưng khi đó, dự án lại trở thành đầu tư công do có yếu tố vốn Nhà nước”, ông Hoan lý giải nguyên nhân các dự án vẫn loay hoay chưa có hướng ra.

Ngoài ra, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sử dụng đất cũng rất quan trọng và cần có tiêu chí thật cụ thể. Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng khi đấu thầu, nên khuyến khích nhà đầu tư đề xuất, thiết kế dự án thế nào cho hợp lý, đạt chuẩn để có thể khai thác hiệu quả.

Điểm thuận lợi của dự án do tư nhân đầu tư là khi đã được duyệt phương án, nhà đầu tư sẽ bỏ vốn ra và làm ngay.

Giám sát UBND TP.HCM thực hiện chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng đề nghị từ nay đến cuối năm, UBND TP.HCM cần quan tâm công tác kiểm soát dịch bệnh, tiếp tục quan tâm đề án y tế thông minh, giải quyết khó khăn vướng mắc. Về xây dựng chính quyền đô thị, cần quan tâm sau khi cổng dịch vụ công đi vào hoạt động, tiếp tục hoàn thiện càng sớm càng tốt…

“HĐND thành phố đề nghị UBND sớm đưa ra giải pháp, cần xác định rõ các hành lang pháp lý cho từng dự án, không cần thông qua các cấp HĐND, từ đó, thành phố sẽ thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sử dụng đất. Thành phố cũng cần điều chỉnh phân định đất sạch, đất công để khuyến khích đầu tư tư nhân tham gia các dự án”, ông Dũng nói.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết có đến 70% số dự án trên địa bàn đang bị tắc vì vướng thủ tục pháp lý trong đầu tư xây dựng. Nguồn cung bị hạn chế là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung cầu về nhà ở - gốc rễ khiến nguồn cung nhà ở giảm mạnh do doanh nghiệp bất động sản gặp khó trong quá trình chuẩn bị đầu tư; thực hiện thủ tục xây dựng, mua bán, thu hồi vốn. Theo các doanh nghiệp bất động sản, giải pháp căn cơ hơn cả là hoàn thiện hành lang pháp lý để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

UBND TP. HCM đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành rà soát, hướng dẫn chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc.

Theo Lâm Minh/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email