Trong bối cảnh khôi phục kinh tế “bình thường mới”, ngành du lịch TP.HCM đã có nhiều nỗ lực kích cầu từ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Ngày hội du lịch và liên hoan Món ngon các nước vừa được khai mạc tối 16/7 là điển hình.
Theo đại diện sở Du lịch TP.HCM, quy mô ngày hội Du lịch và liên hoan Món ngon các nước 2020 có 230 gian hàng do 126 đơn vị tham gia. Trong đó có 50 gian hàng của tỉnh thành (năm 2019 là 28 tỉnh thành) với một số gian hàng có quy mô gấp đôi so với năm 2019 và 45 doanh nghiệp du lịch, 50 gian hàng ẩm thực.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong 16 lần tổ chức, ngày hội Du lịch TP.HCM có gian hàng chung của Thành phố với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và 5 tỉnh Đông Nam Bộ nhằm giới thiệu các sản phẩm liên kết vùng đặc sắc.
Các đơn vị tham gia chương trình được ban Tổ chức hỗ trợ 50% chi phí tổ chức để có thể có những sản phẩm tốt nhất giới thiệu đến người tiêu dùng.
Một số sản phẩm giá ưu đãi hấp dẫn tại ngày hội Du lịch với mức giảm giá sâu từ 50% trở lên như tour Củ Chi – Khu DL Sinh thái Về Quê giảm còn 119.000đ; Vũng Tàu (1 ngày) giảm 66% chỉ còn 199.000đ hay Tây Ninh – Bình Dương giảm 60% còn 1.499.000đ.
Trước đó, trong buổi họp báo về chương trình, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết: “Các hoạt động kích cầu được thực hiện hằng năm. Nhưng năm nay là kích cầu thật sự, bằng sự vào cuộc của nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ. Giá đã giảm đến mức không còn giảm được nữa”.
Nhiều khối doanh nghiệp bao gồm hàng không, vận chuyển, lưu trú, lữ hành và các điểm tham quan, mua sắm đã liên kết bỏ qua các khâu trung gian để có được giá cả hấp dẫn.
Nhưng muốn khẳng định thương hiệu, cần phải đảm báo dịch vụ. Bởi lẽ, kích cầu không chỉ là giảm giá, có khi là không giảm giá nhưng cộng thêm dịch vụ.
Còn bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc sở Du lịch TP.HCM đánh giá, hoạt động giảm giá để kích cầu du lịch sẽ thu hút sự quan tâm, tạo kích thích cho người dân.
“Tuy nhiên, bên cạnh đảm bảo an toàn du khách và chống dịch trong trạng thái bình thường mới, các tour tuyến phải đảm bảo chất lượng để tạo thương hiệu cho du lịch nội địa”, bà Hoa nhấn mạnh.
Sơ kết chương trình kích đầu thực hiện từ đầu tháng Sáu, sở Du lịch TP.HCM đã đưa ra số liệu tích cực. Nếu doanh thu tháng Năm chỉ đạt 1.300 tỷ đồng thì đến đầu tháng Bảy đã đạt 3.800 tỷ đồng, tăng gần 40%.
Nhìn chung, thị trường lữ hành đã “ấm lại”, các hãng hàng không bắt đầu đặt vé máy bay khó khăn hơn, số chuyến bay tần suất nhiều hơn.
Mặc dù vậy, khối lưu trú vẫn còn nhiều khó khăn, công suất phòng của một vài khách sạn ở trung tâm TP.HCM đạt được 50%.
Còn lại, những cơ sở 4-5 sao tại nội thành có công suất 40%, ngoại thành là 30% vì thị trường khách sạn trước nay tập trung vào khách nước ngoài.
Theo Hà Nhân/nguoiduatin.vn