Nhằm tháo gỡ những khó khăn và phát huy tối đa những hiệu quả đạt được sau 6 năm thí điểm hoạt động, UBND TP.HCM đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM kể từ ngày 1/4/2023.

Việc thí điểm được đề xuất kéo dài cho đến khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định mô hình hoạt động chính thức của Ban An toàn thực phẩm TP.HCM.
Trước đó, từ ngày 5/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thí điểm thành lập Ban An toàn thực phẩm TP.HCM thời hạn 3 năm. Đến ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép kéo dài 3 năm thời gian thí điểm hoạt động của Ban An toàn thực phẩm TP.HCM (kể từ ngày 1/4/2020).
Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, các bộ, ngành trung ương đã có ý kiến xung quanh hoạt động của Ban An toàn thực phẩm TP.HCM.
Trong đó, Bộ Nội vụ đề nghị tiếp tục giữ nguyên mô hình thí điểm nêu trên. Trong thời gian tới, trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình tổ chức Ban An toàn thực phẩm, Bộ Y tế có trách nhiệm đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, phân định rõ trách nhiệm tham mưu quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm với trách nhiệm thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm, làm cơ sở cho việc hình thành mô hình tổ chức thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
Bộ Y tế cũng nhất trí mô hình Ban An toàn thực phẩm, giúp tập trung đầu mối, bước đầu tăng cường nguồn lực, hiệu quả trong quản lý về an toàn thực phẩm.
Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất với Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và UBND TP.HCM, Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh tiến hành tổng kết, đánh giá tính hiệu quả của Ban An toàn thực phẩm và báo cáo đề xuất giải pháp phù hợp để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…
Thanh tra Chính phủ cũng góp ý rằng, việc thí điểm thành lập Ban An toàn thực phẩm TP.HCM đã cho nhiều kết quả tích cực trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Do đó, việc có một cơ chế đặc thù cho TP.HCM về quản lý an toàn thực phẩm là cần thiết.
Đề nghị UBND TP.HCM cân nhắc, xin ý kiến Chính phủ về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm hoặc nghiên cứu cơ chế đặc thù khác phù hợp với địa phương…
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng cho biết, trước đó Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tinh hình mới yêu cầu “Với tính chất và tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất, chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; có chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ này”….
Chính vì vậy, UBND TP.HCM đang tiến hành xây dựng Đề án đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM là cơ quan đầu mối phụ trách công tác quản lý về an toàn thực phẩm.
“Từ các cơ sở nêu trên, nhằm đảm bảo công tác tham mưu giúp UBND TP.HCM tổ chức thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn hiệu quả, xuyên suốt cho đến khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về mô hình tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định về việc kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của Ban An toàn thực phẩm TP.HCM”, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất.
Theo Ngọc Hậu/Thời báo Ngân hàng