Bốn tuyến buýt 01, 15, 65, 152 được Liên danh Bảo Yến và Hợp tác xã 28 tiếp nhận, khai thác từ 1/5.
Sáng 28/4, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng tuyến 1 (Bến Thành – Bến xe buýt Chợ Lớn) tổ chức lễ bàn giao khai thác 4 tuyến buýt 01, 15, 65, 152, cho Liên danh Bảo Yến và Hợp tác xã 28, đơn vị trúng thầu, khai thác trong 5 năm (2021-2025).
Đây là 4 trong 90 tuyến xe buýt trợ giá được Sở GTVT triển khai đấu thầu đầu tiên. Với 3 tuyến 01, 65 và 152 được đầu tư, sử dụng 42 xe mới hoàn toàn. Việc này nhằm kêu gọi doanh nghiệp tư nhân vực dậy sản lượng vận tải xe buýt, thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng.
Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, cho biết với tình hình giao thông bị ùn tắc nghiêm trọng hiện nay, những năm qua, TP.HCM từng bước đầu tư, đáp ứng hệ thống giao thông phục vụ nhu cầu người dân, trong đó có sự cải tiến dịch vụ xe buýt.
TP.HCM hiện có 127 tuyến xe buýt đang hoạt động, trong đó có 90 tuyến được trợ giá. Năm 2021-2023, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu các tuyến buýt có trợ giá còn lại.
Ba năm qua, TP.HCM tăng trợ giá xe buýt từ 1.123 tỷ đồng năm 2018 lên 1.247 tỷ đồng năm 2019 và 1.311 tỷ đồng năm 2020. Tuy nhiên, số tiền này vẫn không đủ để duy trì hoạt động xe buýt trên địa bàn.
Giai đoạn 2014-2018, khách giảm bình quân 6,65% mỗi năm. Đến năm 2019, lượng khách chỉ đạt khoảng 255 triệu lượt, giảm 12,1% so với mức 289,9 triệu lượt năm 2018. Năm nay, con số này dự kiến chỉ còn 159 triệu lượt khách.
Do đó, việc TP.HCM tổ chức đấu thầu một số tuyến xe buýt thay cho đặt hàng như nhiều năm qua, được kỳ vọng thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia, vực dậy tình hình sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Tuyến buýt số 01: Bến Thành - Bến xe buýt Chợ Lớn
Tuyến buýt số 15: Bến xe Dầu Giây - huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Tuyến buýt số 65: Bến Thành - CMT8 - Bến xe An Sương
Tuyến buýt số 152: Khu dân cư Trung Sơn - Bến Thành - sân bay Tân Sơn Nhất
Theo Thư Trần/Zingnews.vn