Categories Doanh nghiệp

Tín hiệu vui đầu năm cho xuất khẩu lao động

Theo kế hoạch năm 2022, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định…

Người lao động chờ ngày được bay

Sau thời gian dài bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều thị trường lao động như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… đã bắt đầu mở cửa đón lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Đây là tín hiệu khởi sắc để phát triển thị trường lao động nước ngoài trong năm 2022.

Theo ông Nguyễn Gia Khiêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), thị trường Đài Loan (Trung Quốc) thông báo đã mở cửa tiếp nhận lao động kể từ ngày 15/2/2022. Còn thị trường Nhật Bản dự kiến là vào tháng 3 tới đây. Việc một số thị trường lao động thuộc khu vực Đông Bắc Á – nơi có đến gần 90% lao động Việt làm việc đã mở cửa là thông tin rất vui cho người lao động đang chờ việc.

tin hieu vui dau nam cho xuat khau lao dong
Sẽ có 90 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022

Anh Trịnh Ngọc Hoàng, người lao động ở Thanh Hóa cho hay, hơn 1 năm qua anh đã học xong chứng chỉ tiếng Nhật để đi xuất khẩu lao động nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên phải hoãn lại. Vì vậy dù đã thi xong, các thủ tục và điều kiện cũng đã đáp ứng đủ nhưng anh vẫn phải chờ từng ngày khi cánh cửa của đất nước mặt trời mọc mở ra.

Ông Vũ Văn Ninh, đại diện một doanh nghiệp dịch vụ việc làm cho Nhật Bản chia sẻ, do thị trường này chưa mở cửa nên doanh nghiệp chỉ duy trì hoạt động cầm chừng, tập trung vào đào tạo học viên chuẩn bị bay. Nếu tình hình tiếp tục kéo dài, nhiều khả năng doanh nghiệp phải đóng cửa. Với thị trường Hàn Quốc dù đã mở cửa từ tháng 5/2021 nhưng do dịch bệnh căng thẳng nên kế hoạch tiếp nhận lao động bị ảnh hưởng xấu, doanh nghiệp ngừng nhận học viên.

Trong hợp đồng dịch vụ đưa người đi lao động tại nước ngoài giữa doanh nghiệp với học viên, người lao động, đều có thời hạn xác định hoặc cũng giới hạn trong khoảng thời gian nhất định để được đi làm việc tại nước ngoài. Nếu không, doanh nghiệp phải hoàn trả lại chi phí, chỉ được phép thu chi phí đào tạo nghiệp vụ và ngoại ngữ. “Chính vì vậy, hơn ai hết chúng tôi mong các thị trường mở cửa để làm đúng quy định”, ông Ninh cho biết thêm.

Sẽ có khoảng 90 nghìn lao động được xuất ngoại

Mới đây, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) cũng kiến nghị với Chính phủ Nhật Bản về việc cho phép thực tập sinh người Việt Nam được nhập cảnh vào thị trường này sau thời gian dài bị trì hoãn. VAMAS dẫn chứng hiện nhiều doanh nghiệp Nhật cũng đang thiếu hụt lượng lớn lao động, có đơn hàng tại Việt Nam nhưng không thể nhận được lao động. Trong khi đó, hàng chục nghìn thực tập sinh được nhà tuyển dụng Nhật tuyển chọn vẫn đang mất nhiều thời gian chờ đợi để được sang Nhật làm việc.

Ông Nguyễn Gia Khiêm chia sẻ, năm 2021, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19. Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chỉ đạt 45.058 người lao động, bằng 57,29% so với năm 2020. Trong đó, thị trường Đài Loan, Trung Quốc là 19.531 lao động; Nhật Bản là 19.510 lao động; Hàn Quốc: 1.036 lao động…

Và trong bối cảnh hiện nay, việc người lao động nóng lòng chờ được lên máy bay để xuất cảnh là điều dễ hiểu, vì vậy, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ luôn bám sát các thông tin tại thị trường lao động tại các nước, để trực tiếp, nhanh chóng cung cấp cho doanh nghiệp và hướng dẫn cách thức triển khai quy trình tiếp nhận lao động. Đồng thời, đối với thị trường châu Âu, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tìm biện pháp để giúp doanh nghiệp khai thác tốt hơn khu vực này, giải quyết các vấn đề phát sinh, tăng cường ký hợp đồng để đáp ứng tốt yêu cầu của các nước đặt ra.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước chủ động làm việc với Cục lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và đại sứ quán các thị trường trọng điểm để có kế hoạch, lộ trình đưa người đi lao động tại nước ngoài, ổn định tâm lý của người dân. Theo kế hoạch năm 2022, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định. Đồng thời, hoàn thiện, thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận; phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động…

Bên cạnh việc ổn định thị trường truyền thống, Bộ LĐ-TB&XH cũng đặt ra yêu cầu mở rộng đối với những thị trường lao động mới, tiềm năng như châu Âu, Australia, Israel… Đồng thời, tăng cường công tác bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài, tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo Hải Yến/Thời báo Ngân hàng