Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tác động tiêu cực đến hầu hết các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ vốn chưa kịp phục hồi “sức khỏe” sau đợt dịch lần đầu. Thời điểm này, sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Nhà nước đang là vấn đề cấp bách giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động, từng bước vượt qua thử thách.
Tiếp tục gặp khó do Covid-19 bùng phát trở lại
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại tác động đến nền kinh tế rất lớn, khiến các chỉ số tăng trưởng bị tác động mạnh. Bên cạnh những doanh nghiệp thích nghi để “sống” thì hầu hết các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ chưa kịp phục hồi sau đợt dịch lần đầu.
Nhận định về “sức khỏe” hiện nay của doanh nghiệp, Phó Giám đốc Thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) Phạm Thị Ngọc Thủy cho rằng, sức chống chịu của doanh nghiệp hiện đang rất mỏng, nhất là căng thẳng về dòng tiền. Từ đợt dịch đầu tiên, các doanh nghiệp hầu hết đều chịu tác động lớn.
Cụ thể, từ khi dịch bệnh bùng phát, ngành da giày vẫn chưa tìm được sản phẩm thay thế; dệt may dù chuyển hướng sang một số sản phẩm phòng, chống dịch (như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ) nhưng thực tế từ tháng 7 đến nay, đơn hàng mới rất khan hiếm.
Du lịch, lữ hành hoàn toàn tê liệt, hầu như không có giải pháp nào khả thi trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại. Hầu hết các doanh nghiệp đã kiệt lực, không còn sức suy nghĩ đến giải pháp chống chịu, chỉ quan tâm làm cách nào tiết giảm dòng tiền chi ra.
Tháo gỡ nhanh chóng khó khăn
Các chuyên gia kinh tế kiến nghị, bên cạnh việc bản thân doanh nghiệp chủ động ứng phó với dịch bệnh, Chính phủ cũng cần cho rà soát lại các gói hỗ trợ trong bối cảnh làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ hai để nghiên cứu, xem xét, tháo gỡ vướng mắc một cách nhanh chóng.
Tiếp đó, cần mở rộng những gói hỗ trợ, thời gian, thời hạn và cả đối tượng cần hỗ trợ. Do dịch bệnh, sức cầu trên thị trường giảm sâu, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ giảm, đồng thời kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng thay đổi, không còn như trước.
Tuy vậy, câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này một lần nữa tiếp tục được đưa ra xem xét như một vấn đề cấp bách chứ không thể đợi doanh nghiệp đổ vỡ, phá sản rồi mới tính toán đến phương án hỗ trợ.
Trước đây, Chính phủ đã chấp thuận gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập và tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong năm tháng, được doanh nghiệp đánh giá là chính sách hiệu quả trong nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai. Do đó, trong tình hình mới lần này, cần tiếp tục xem xét cho giãn, hoãn các khoản thu, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ sức chống chịu dịch bệnh khi nguồn lực đã cạn kiệt.
Theo Thanh Tùng/Vietq.vn